Nông dân Anh Sơn đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 31/05/2020 23:54
(Hội NDNA) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, trên địa bàn huyện Anh Sơn đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình. Trong đó, việc người dân tự nguyện hiến đất không còn là chuyện hiếm gặp, dù trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê, là nền tảng vững chắc giúp các địa phương phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.
nong dan anh son xdntm1
Đoạn đường gia đình ông Đặng Văn Kỳ ở thôn 4 xã Thạch Sơn tự nguyện  hiến đất làm đường.
Là xã thuần nông nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận, đoàn kết của bà con nhân dân, năm 2019 xã Thạch Sơn vừa được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Để có được kết quả đó, có sự đồng lòng, chung sức rất lớn của Nhân dân. Nhiều hộ gia đình đã tiên phong tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của để xây dựng NTM. Điển hình như gia đình ông Đặng Văn Kỳ ở thôn 4, cách đây hơn 1 năm về trước đoạn đường trước nhà ông dài 30m là ruộng lúa, nhỏ hẹp, lầy lội đi lại rất khó khăn thì nay đã được gia đình ông tự nguyện đập 24 m bờ rào xây, hiến 40m2 đất và tự bỏ ra số tiền 22 triệu đồng mua nguyên vật liệu đổ bê tông bằng phẳng. Việc làm ý nghĩa của gia đình ông Đặng Văn Kỳ xứng đáng là một điển hình tiên tiến để người dân địa phương học tập và làm theo. Hay như gia đình ông Bùi Quang Mân ở thôn 1. Tuy tuổi đã cao, sức khoẻ yếu nhưng ông vẫn là người đi đầu tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM của xã. Ngoài số tiền đóng góp do thôn triển khai, ông Mân đã vận động anh em, con cái trong gia đình ủng hộ được 23 triệu đồng để làm đường giao thông và nhà văn hóa thôn.

Ông Nguyễn Xuân Hồng- chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: Xã Thạch Sơn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ về đích NTM năm 2019 là nhờ sức dân và do sức dân. Nếu không được dân đồng tình, ủng hộ thì cấp ủy, chính quyền xã dù quyết tâm đến mấy cũng khó có thể về đích NTM đúng hẹn. Xác định xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, vì vậy xã Thạch Sơn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và các cấp, các ngành đã vào cuộc một cách thực sự; cán bộ từ xã đến thôn đã thực hiện tốt phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với Nhân dân. Đặc biệt là những hoạt động liên quan đến xây dựng NTM đều được đưa vào các cuộc họp để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhờ vậy đã tạo được sức lan tỏa lớn và nhận được sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia của đông đảo nhân dân. Đến nay, 100% đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa, 100% đường thôn sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm.
 
anh 4
Sự đồng lòng của người dân Anh Sơn góp phần làm thay đổi diện mạo
làng quê, giúp các địa phương phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với xã Thạch Sơn, thời gian gần đây ở xã Lĩnh Sơn phong trào xây dựng NTM cũng đang được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Đặc biệt, gần đây nhất là thực hiện dự án làm đường vào Di tích lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân, bà con nhân dân đã đồng lòng phá dỡ tường rào hai bên tuyến đường, hiến đất để làm tạo nên một phong trào rất sôi nổi. Ông Phạm Văn Quý chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết: Để phong trào nhận được sự đồng lòng cao của bà con nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng cao của tất cả các tầng lớp nhân dân. Bà con nhân dân ở 2 bên tuyến đường tự nguyện hiến đất, hiến cây, hiến vật kiến trúc được 3.600m2 đất 64 và 375m2 đất ở, 170m tường rào, trị giá gần 350 triệu đồng; đồng thời ủng hộ 40 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình đã hiến đất, hiến vật kiến trúc để xây lại tường rào, làm các công trình liên quan. Tiêu biểu có gia đình anh Trần Hữu Cường ở thôn 6 hiến 44 m2 đất ở, 14 m bờ rào xây cùng nhiều công trình được xây dựng kiên cố, gia đình chị Trần Thị Liên ở thôn 5 hiến 33 m2 đất ở và 30 m bờ rào xây kiên cố.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Anh Sơn xác định yêu cầu trước tiên là phải phát huy dân chủ. Ở các địa phương, mọi công việc lớn nhỏ của xã, của thôn đều được đưa ra họp bàn, lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách công khai, dân chủ. Đây chính là mấu chốt, cốt lõi để tạo niềm tin, sức mạnh gắn kết trong quần chúng nhân dân. Trong năm 2019 toàn huyện đã xây dựng, nâng cấp được 40 km, với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Đến nay có 12/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí toàn huyện đạt 16,4 tiêu chí/xã. Đáng chú ý là trong số tổng kinh phí gần hơn 450 tỷ đồng chi cho việc làm đường giao thông nông thôn trong 10 năm qua có hàng trăm tỷ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp, hàng chục nghìn mét vuông đất do người dân hiến tặng để phục vụ giải phóng mặt bằng. Cũng trong năm 2019, trên cơ sở đăng ký của các xã, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tiền làm đường GTNT cho các địa phương làm đường cấp C với tổng chiều dài trên 9,124 km tại các xã Bình Sơn, Thành Sơn, Hội Sơn, Thạch Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Vĩnh Sơn, Lạng Sơn và Tào Sơn. Hoàn thành xây dựng chợ Long Sơn với tổng mức đầu tư 10,6 tỷ đồng; khởi công xây dựng chợ Khai Sơn, chợ Vĩnh Sơn để từng bước đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân.            

Hiệu quả từ phong trào xây dựng NTM ở Anh Sơn đã làm đổi thay không nhỏ từ kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Kết quả ấy là sự nỗ lực, đóng góp, chung tay của chính người dân nơi đây, hướng đến xây dựng Anh Sơn với một diện mạo mới, sức sống mới.

Thái Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay6,984
  • Tháng hiện tại204,626
  • Tổng lượt truy cập14,858,520
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây