Giải pháp với vấn đề thiếu nước trong sản xuất lúa một số nơi ở Nghệ An.

Thứ hai - 18/03/2024 22:30
(Hội NDNA) - Năm nay, khi vụ đông Xuân mới bắt đầu vào vụ cho sản xuất lúa, tình trạng thiếu nước cho lúa đã, đang diễn ra ở một số xã thuộc các huyện vùng ven sông Lam như: Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương do mực nước sông Lam xuống quá thấp, một số trạm bơm đã không hoạt động được giù địa phương đã áp dụng các giải pháp khắc phục.
Từ xa xưa đến nay, câu đúc kết “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” của ông cha ta vẫn nguyên giá trị trong sản xuất trồng trọt nói chung và trong sản xuất lúa ở Nghệ An hiện nay nói riêng. Năm nay, khi bắt đầu vào vụ cho sản xuất lúa vụ xuân, tình trạng thiếu nước cho một số xã thuộc các huyện vùng ven sông Lam như: Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương đã, đang diễn ra do mực nước sông Lam xuống quá thấp, một số trạm bơm đã không hoạt động được giù địa phương đã áp dụng các giải pháp khắc phục. Trước tình hình đó UBND tỉnh đã lãnh đạo Sở NN&PTNT chỉ đạo phối hợp cùng các đơn vị vận hành các hồ đập thủy điện trên thượng nguồn sông Lam, sông Giăng rà soát xác định chọn thời điểm đề xuất thời điểm tăng lưu lượng xả nước.

Nghệ An ta chủ yếu là sản xuất lúa nước (trừ một diện tích không đáng kể sản xuất lúa rẫy ở các huyện miền núi cao), lúa là cây rất cần nước nhưng trọng tâm được xác định trọng yếu gồm 03 giai đoạn: Chuẩn bị gieo, cấy - làm đòng - nuôi đòng đến trổ. Cơ cấu vụ đông xuân trên dưới 91.000ha, Hè thu 58.000ha, vụ mùa 21.500ha.Tuy nhiên, không phải lúc nào cây lúa cũng cần nước ngập trên ruộng mà có lúc cây lúa chỉ cần đủ ẩm sẽ tốt hơn. Do đó, tùy theo từng giai đoạn lúa mà điều tiết lượng nước cho phù hợp, cụ thể:

Giai đoạn 1: Lúa cấy, duy trì mực nước 2-3cm; lúa sạ, khi sạ cần tháo nước cho thật ráo (tránh chết vũng). Sau cấy hoặc sau sạ 3-5 ngày duy trì mực nước vào 1-3 cm và sau 7-8 ngày sau khi sạ có thể bón thúc 1 (tùy điều kiện cụ thể có thể bón nhử, dùng ure 1,5-2,0kg/sào), đồng thời tốt nhất giữ mực nước liên tục (trong trường hợp chủ động nước) đến khi lúa đẻ kín hàng vì giai đoạn này nước có vai trò thiết yếu để cho lúa phát triển và hạn chế sự mọc mầm của cỏ dại.

Giai đoạn 2: Sau khi cấy khoảng 10-15 ngày, sau sạ 15-20 ngày bắt đầu bón thúc đẻ nhánh với lượng bón 2-3kg ure +2-3 kg kali (hoặc bón 10-12 kg NPK). Sau cấy 20-25 ngày, sau sạ 30-35 ngày lúa đẻ nhánh rất nhanh và số chồi sẽ đạt đến tối đa nhưng phần lớn là chồi vô hiệu (không trổ bông). Do đó giai đoạn này chúng ta cần rút cạn nước khoảng trên dưới 10-15 ngày (tùy vụ Xuân hay Hè thu - vụ Mùa) để đất vừa rạn nứt vết chân chim. Cụ thể, lúc này giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đến thấp hơn mặt ruộng 15cm (đặt ống nhựa có đục lỗ, bên trong có chia vạch để theo dõi). Khi nước xuống thấp hơn15cm thì cho nước vào ruộng ngập 3-5cm so với mặt đất ruộng. Khi nước hạ từ từ xuống chạm vạch 15cm thì cho nước vào tiếp. Ở giai đoạn này, lá lúa phát triển giáp tán, hạt cỏ có nảy mầm cũng không phát triển và cạnh tranh được với cây lúa. Đây cũng là giai đoạn cây lúa rất dễ bị bệnh khô vằn tấn công, mực nước gián đoạn hạn chế hạch nấm khô vằn sẽ ít phát tán trong ruộng, bệnh ít lây lan. Không những vậy, điều tiết nước tốt còn giúp hạn chế sự sinh trưởng, sinh sản của ốc bươu vàng tích lũy gây hại. Cách điều tiết nước này sẽ phơi lộ mặt ruộng, vì vậy phương pháp này được gọi là tưới nông lộ phơi. Mực nước dưới mặt đất càng xa (nhưng không thấp hơn 15cm so với mặt ruộng) sẽ giúp rễ lúa ăn sâu vào trong đất, vừa chống đổ ngã, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính.

Giai đoạn 3: Kiểm tra ruộng lúa khi thấy 2/3 lúa chuyển màu (màu vàng chanh) là giai đoạn bón thúc phân lần 3 (bón thúc đòng hay còn gọi là bón phân đón đòng, tùy điều kiện chân đất, tình hình sinh trưởng phát triển của lúa bón 3-5kg ure+2-3kg kaki/sào có thể bón NPK thay thế). Giai đoạn này lúa rất cần nước, vậy nên cho nước vào 2-3cm rồi bón phân nhằm tránh mất phân do phân bị phân huỷ và bốc hơi.

Giai đoạn 4: Trước khi thu hoạch 7-10 ngày đối với ruộng cao hoặc 10 - 15 ngày đối với ruộng trũng ngưng cấp nước hoặc tháo cạn nước (khi có điều kiện) để thúc đẩy lúa chín nhanh và dễ thu hoạch.

Như vậy, với áp lực nước tưới gieo cấy và nước dưỡng giai đoạn làm đòng, nuôi đòng và trổ vụ Xuân cũng như đầu vụ Hè việc tăng cường bố trí ít trà, gieo cấy tập trung cần kết hợp áp dụng tưới nông lộ phơi trong sản xuất lúa. Tập trung chỉ đạo các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện, đặc biệt các xã thuộc các huyện thường xuyên nhận định khả năng thiếu nước.

Hiện nay, các địa phương sản xuất lúa dọc sông Lam như Đô Lương, Thanh Chương, Nam đàn chuẩn bị ra mạ và vào vụ gieo sạ. Tuy nhiên, hiện mực nước sông Lam, sông Giăng xuống thấp, nhiều địa phương thuộc các huyện nói trên, các trạm bơm đã không hoạt động được để cấp nước cho làm đất gieo mạ, cấy và gieo sạ lúa Đông Xuân. Chúng ta đều biết các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn như: Bản Vẽ, Khe Bố, ... ngoài mục đích phát điện còn có thêm chức năng điều tiết nước để phục vụ sản cho sản xuất nông nghiệp phía hạ du. Tuy nhiên, tùy thuộc vào lượng mưa hằng năm khả năng điều tiết nước liên tục trong nhiều năm gần đây luôn gặp khó khăn do lượng nước không đủ lớn để thõa mãn hài hòa cùng lúc cả 02 mục đích. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu hiện nay Nghệ An ta lại là một trong những Tỉnh chịu tác động nặng nề nhất. Do đó, để góp phần chủ động đảm bảo tính hài hòa trong điều tiết nước cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Thời vụ cấy và thời vụ gieo của các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương trong những vụ tới, năm tới nên thay vì bố trí rãi ra 03 trà/vụ sản xuất như vụ đông Xuân (Xuân sớm- nhóm giống dài ngày, Chính vụ - nhóm trung ngày và Xuân trung - nhóm giống ngắn ngày), Hè thu (Hè thu chạy lụt - nhóm giống cực ngắn, trà trung - nhóm giống trung ngày và trà muộn - nhóm giống ngắn ngày). Như vậy, với việc bố trí thời vụ như trên ở các huyện phía hạ trong điều kiện những năm lượng mưa ít, tích nước của các hồ đập thủy lợi không lớn áp lực điều tiết để hài hòa lợi ích giữa phát điện và điều tiết nước phục vụ sản xuất trồng trọt phía hạ du lại càng khó khăn, thậm chí bất khả kháng.

Như vậy các huyện như Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương trong các vụ sản xuất tới cần tập trung rà soát đánh giá các xã, các cánh đồng sử dụng bơm tưới từ nguồn nước sông Lam thường xuyên gặp khó khăn. Thống nhất cùng khuyến cáo, chỉ đạo cùng lựa chọn bộ giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng. Đặc biệt cùng thống nhất sản xuất một trà lúa phù hợp để cùng nhau tuyên truyền, chỉ đạo bà con bố trí cùng một thời vụ (thống nhất cùng sản xuất 01 trà/vụ thay cho 03 trà/vụ), gieo cấy tập trung đảm bảo thuận lợi, phù hợp cho công tác điều tiết nước khả thi (tăng lưu lượng xã nước 03 ngày/đợt) chủ động sản xuất an toàn nhất. Cá biệt những vụ, những năm điều kiện quá khó khăn về lượng nước, cần nắm bắt con triều từng thời điểm trong ngày (trong 03 ngày tăng lượng xả nước) để phối hợp thống nhất cùng thủy điện lựa chọn thời điểm triều lên tăng lưu lượng xả để có thể phục vụ bơm tưới.

Túm lại, để sản xuất lúa vùng hạ du cuối hồ đập thủy điện an toàn, bền vững, các địa phương nói trên cần cùng nhau thống nhất lựa chọn bộ giống có cùng thời gian sinh trưởng, cùng một thời vụ để gieo, cấy tập trung trong những vụ sản xuất lúa sắp tới. Bên cạnh đó, việc áp dụng 01 trà/vụ lúa cũng tạo điều kiện thuận lợi để chỉ đạo bà con áp dụng  diện rộng tưới nông lộ phơi. Như vậy áp dụng đồng bộ 02 giải pháp trên sẽ vừa đảm bảo tiết kiệm nước, tăng hiệu quả sản xuất lúa đồng thời giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa trên phương châm “Chủ động, kịp thời - Hiệu quả, bền vững”.
 

Lại Duy Hải

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay13,469
  • Tháng hiện tại320,641
  • Tổng lượt truy cập8,155,073
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây