Đưa công tác Hội và phong trào nông dân Nghệ An tiếp tục phát triển vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu mới

Thứ năm - 28/09/2023 23:41
(Hội NDNA) - Tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 -2028, đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có chỉ đạo, định hướng công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh. Ban Biên tập xin trích đăng bài phát biểu.​​​​​​​
Thưa các đại biểu!
 
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và dân số đứng thứ 4, với 3,4 triệu người; có nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đầy đủ, kết nối với quốc tế, được ví như Việt Nam thu nhỏ. Nghệ An là mảnh đất giàu giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt, danh tướngNgười dân Nghệ An có truyền thống hiếu học, giàu ý chí tiến thủ, dám nghĩ, dám làm; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất và rất cách mạng; có tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao, giàu lòng nhân ái; giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương và là niềm tự hào của mỗi người dân quê Bác; đã kết tinh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển mạnh mẽ, giàu đẹp, văn minh. 

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, là nhiệm kỳ có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp biến động tăng cao, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Song dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp; các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua khó khăn, tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX đạt nhiều kết quả toàn diện trên các mặt. tỉnh Nghệ An có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; hoàn thành và hoàn thành xuất sắc 13/13 chỉ tiêu (trong đó, có 6/13 chỉ tiêu vượt) do Đại hội IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, nông dân được các cấp Hội quan tâm, tập trung chỉ đạo, đổi mới mạnh mẽ với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để tuyên truyền được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của hội viên, nông dân.
 
z4734838564694 dbc3ba04c2389d1939f791a5ba87871b
Đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo Đại hội.

 Nội dung, phương thức hoạt động của Hội chuyển biến tích cực theo hướng thiết thực, thông qua việc chỉ đạo xây dựng các chi hội, tổ chức hội nông dân nghề nghiệp; tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ nông dân ngày càng đáp ứng nhu cầu chính đáng của hội viên nông dân. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh kết nạp 55.558 hội viên, đạt 110% chỉ tiêu Đại hội đề ra; thành lập được 53 chi hội, 913 tổ hội nông dân nghề nghiệp, Các phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia tích cực, Phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” tiếp tục phát triển sâu, rộng, quy mô, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội của phong trào không ngừng được nâng lên, đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao do các cấp Hội nông dân trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ. Vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được khẳng định. Nhiều chương trình, kế hoạch do Hội triển khai mang lại hiệu quả rõ nét, tạo dấu ấn tốt, có đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh như: Phong trào nông dân tham gia xây dựng vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới, trồng cây xanh; sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn; đồng hành cùng ngư dân bám biển. Kết quả 5 năm qua, các cấp Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng được 1.495 mô hình bảo vệ môi trường, 454 mô hình thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình, 462 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; xây dựng được 2.125 vườn mẫu nông dân, 880 vườn chuẩn nông thôn mới. Các cấp Hội đã tích cực tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội. Hiệu quả giám sát, năng lực phản biện của Hội Nông dân được nâng lên. Niềm tin và sự gắn bó của nông dân với tổ chức Hội được củng cố, tăng cường.
 
Thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể đại hội!

Sinh thời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Nông dân giàu thì nước ta giàu; nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh”. Đảng, Nhà nước ta xác định rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời; có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”, nông dân có vai trò là chủ thể, là trung tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu cùng những tác động tiêu cực của thời tiết, mưa lũ, nắng hạn ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông dân; đời sống của một phận cư dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp; trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí thế yếu; liên kết 6 nhà chưa chặt chẽ, nông dân tham gia kinh tế tập thể chưa nhiều; sản xuất nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chất lượng, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa. Vấn đề bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa vẫn còn khó khăn lớn nhất trong quá trình sản xuất… đây là tình trạng chung trong cả nước, trong đó có Nghệ An.

Để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên là trách nhiệm của các cấp, các ngành, song vai trò của các cấp Hội Nông dân chúng ta là hết sức quan trọng, đòi hỏi tổ chức Hội Nông dân các cấp và bản thân người nông dân phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu mới. Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới, tôi đã nghiên cứu và thấy: Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX trình Đại hội đã đề ra mục tiêu và 15 chỉ tiêu cơ bản, 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; 9 chương trình, đề án trọng điểm. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp, các chương trình, đề án cơ bản đã quán triệt toàn diện những tư tưởng, quan điểm của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao, tôi cơ bản nhất trí. Đồng thời, báo cáo cũng đã nêu rõ tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua thể hiện sự nghiêm túc, thẳng thắn. Tại Đại hội hôm nay, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi phát biểu nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ để Đại hội tiếp tục thảo luận, xem xét, quyết định.

Một là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là liên quan nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mà trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giúp nông dân nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; vai trò chủ thể của nông dân: vừa là người thực hiện, vừa là người hưởng thụ thành quả; tuyên truyền các chương trình Nghị quyết của Hội cần gắn với các nhiệm vụ chính trị địa phương với các hình thức phù hợp, hấp dẫn nông dân. Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến, các cách làm mới, sáng tạo, thông qua đó, giúp cho nông dân có những tư duy mới, cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp, đó là: Phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường; phải liên kết hợp tác, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phải coi trọng chất lượng, giá trị; phải ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phải chú trọng mẫu mã, thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm; kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch theo hướng tích hợp đa giá trị nhằm gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho nông dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền truyền thống lịch sử, văn hóa, cách làm của nông dân quê Bác, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, khơi dậy khát vọng mạnh mẽ, quyết tâm vươn lên, khắc phục khó khăn, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Hai là, chăm lo củng cố tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, trong đó, có nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Hội; nhiệm vụ then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có trình độ, năng lực, am hiểu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có kỹ năng nông vận, tâm huyết, trách nhiệm, trăn trở với công tác Hội và phong trào nông dân, nhất là người đứng đầu. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả theo hướng: “Sát cơ sở, gần hội viên nông dân, lấy chi, tổ hội là đơn vị hành động, lấy quyền, lợi ích chính đáng, tập hợp của hội viên làm mục tiêu, động lực, lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi làm nòng cốt, lấy hiệu quả công việc làm thước đo”. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên. Quan tâm phát triển hội viên là các nhà khoa học, tri thức, chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp, các hợp tác xã, để có cơ hội, điều kiện liên kết, hợp tác, hỗ trợ nông dân; kết nạp hội viên là lao động phi nông nghiệp ở nông thôn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ hội viên. Nâng cao chất lượng, tính thực chất của hoạt động chi hội, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thực hiện nhiệm vụ.
 
Ba là, Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả và có sức lan tỏa rộng rãi; trong đó, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong chỉ đạo, tạo môi trường thúc đẩy phong trào phát triển bền vững. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào bằng những giải pháp cụ thể để tạo động lực cho hộ nông dân tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào. Nghệ An có tiềm năng, thế mạnh, có biển, có rừng, có biên giới, có hệ thống giao thông đầy đủ, kết nối quốc tế; có hệ thống di tích – văn hóa với nhiều thắng cảnh đẹp, có diện tích đất đai rộng lớn là tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trên quy mô lớn, tập trung; có con người bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, khát vọng vươn lên... Các cấp Hội Nông dân chúng ta cần bám sát các chủ trương, định hướng, Nghị quyết của Đảng nhất là Nghị quyết quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện. Phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển rừng theo hướng bền vững, trong đó, cần nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuẩn bị các điều kiện và sớm được tiếp cận, tham gia thị trường tín chỉ các bon trong thời gian tới.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ, trong đó, chú trọng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, các nguồn vốn ưu đãi và vốn tín dụng cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số, thông tin thị trường cho nông dân; đẩy mạnh phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất theo chuỗi giá trị; hướng dẫn nông dân kết nối, giới thiệu, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp, đào tạo theo thực tế, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, theo mô hình “nông dân dạy nông dân”; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu; cần nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động hỗ trợ nông dân.
 
Năm là, chủ động và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân, nhất là các địa phương chung đường biên giới với nước bạn Lào anh em; phát huy tốt vai trò của các cấp hội nông dân trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, làm cầu nối giữa Đảng và nông dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi cán bộ Hội các cấp phải sâu sát cơ sở, nhiệt tình, thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nông dân, phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, hiểu nông dân và vì nông dân, đồng hành, sát cánh cùng nông dân; nắm được những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở địa phương để tham mưu cho Đảng, chính quyền các cấp kịp thời chỉ đạo, giải quyết. Thưa các đồng chí! Đại hội còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bầu Ban Chấp hành khóa mới và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028; tôi đề nghị các đại biểu của Đại hội thể hiện trách nhiệm cao nhất, dân chủ, trí tuệ, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, lựa chọn các nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bầu vào Ban Chấp hành khóa mới đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, có chất lượng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân phát triển; lựa chọn các đại biểu có trí tuệ, trách nhiệm, có khả năng đóng góp vào thành công của Đại hội VIII, Hội Nông dân Việt Nam vào đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng tốt (Đại hội VIII, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức vào các ngày 15, 16, 17/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội). Nhân dịp này, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cũng như sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Nghệ An đã luôn quan tâm, phối hợp chặt chẽ, đồng hành để Hội Nông dân tỉnh đạt được những kết quả phấn khởi trong nhiệm kỳ qua. Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trân trọng đề nghị cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để công tác Hội và phong trào nông dân Nghệ An tiếp tục có bước phát triển mạnh trong nhiệm kỳ tới.
 
Với tình cảm và niềm tin sâu sắc, tôi chúc công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; xây dựng Nghệ An là tỉnh phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lê Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay15,678
  • Tháng hiện tại339,468
  • Tổng lượt truy cập8,173,900
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây