Xô viết Nghệ Tĩnh là sự kiện trọng đại của lịch sử Dân tộc Việt Nam chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công

Thứ ba - 12/09/2023 05:55
(Hội NDNA) - Xô viết Nghệ Tĩnh là sự kiện trọng đại của lịch sử Dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và quần chúng Nhân dân chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 được thành công. Cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 đã chứng minh sức mạnh vùng lên to lớn của Nhân dân và đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt. Ngày 12/9 hằng năm được chọn là Ngày kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy vào ngày 1/5/1930. Nhân dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Chương, Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hưởng ứng, tổ chức treo cờ, mít tinh, diễu hành, đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.

Từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã biểu tình với những vũ khí thô sơ. Trong hai ngày 7 và 8/9/1930, hàng ngàn nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên phối hợp biểu tình, kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh… vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Sáng ngày 12/9/1930, khoảng  8.000 nông dân thuộc 3 tổng: Phù Long, Thông Lạng huyện Hưng Nguyên và Nam Kim huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An đã giương cao cờ đỏ búa liềm đấu tranh. Hoảng sợ, thực dân Pháp cho máy bay trút bom xuống đoàn biểu tình khiến 217 người chết, 125 người bị thương [1].

Từ tháng 9/1930 trở đi, phong trào đấu tranh của quần chúng chuyển biến vượt ra ngoài dự kiến của các cấp bộ Đảng. Những cuộc biểu tình có vũ khí thô sơ với sự hỗ trợ của Đội Tự vệ đỏ, nông dân nhiều huyện ở Nghệ Tĩnh dồn dập tấn công huyện đường. Trước bão táp cách mạng của quần chúng, chính quyền cai trị bị rối loạn; quan chức người Pháp ngày đêm sống trong tâm trạng lo âu, tìm nơi trú ẩn.

Ngay từ khi ra đời, chính quyền Xô-viết  đã thực hiện các quyền lợi cho người dân lao động. Về chính trị: Xô-viết không thừa nhận bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến và những luật lệ do chúng đặt ra để kìm kẹp, bóc lột nhân dân, thực hiện các quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân… Về kinh tế, không nạp sưu thuế cho Pháp và buộc các tổng lý phải trả lại cho nhân dân số tiền thuế đã thu, buộc các chủ ruộng, các nhà giàu phải giảm tô, hoãn nợ và bỏ các khoản địa tô phụ cho nông dân, quy định lại mức tiền công cho những người làm thuê chia lại ruộng công... Về văn hóa - xã hội: Bài trừ các hủ tục lạc hậu, cấm hút thuốc phiện, uống rượu, đánh bạc…Những chính sách và biện pháp được Xô viết thực hiện đã tạo ra bầu không khí mới trong nông thôn. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng và cách mạng được biểu hiện rõ rệt.

Cùng với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung kỳ và các cấp ủy đảng ở Nghệ Tĩnh. Giai cấp công nhân đã biểu hiện rõ vai trò lãnh đạo và tính tiên phong của mình. Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên theo sát và chỉ đạo kịp thời diễn biến phong trào đấu tranh của nhân dân ở Nghệ Tĩnh. Tháng 9-1930, nhận được báo cáo về việc thành lập chính quyền Xô viết ở huyện Thanh Chương và Nam Đàn, Trung ương Đảng gửi ngay chỉ thị cho Cấp ủy Trung kỳ. Trung ương Đảng cho rằng làm như vậy là quá sớm, không đúng thời cơ, vì trong cả nước chưa có tình thế cách mạng trực tiếp. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng góp ý kiến cho Cấp ủy là phải làm thế nào để duy trì được ảnh hưởng của Đảng và chính quyền Xô viết trong quần chúng nhân dân; uốn nắn một số sai sót trong việc tổ chức biểu tình và chia ruộng đất công...

Đánh giá về phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô-viết Nghệ - Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của Nhân dân lao động Việt Nam; phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này. Hơn cả Công xã Pa -ri đối với Cách mạng Pháp, hơn cả Công xã Quảng Châu đối với Cách mạng Trung Quốc, Xô-viết Nghệ -Tĩnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Nó đã ảnh hưởng một cách trực tiếp và toàn diện đến những giai đoạn sau của cách mạng Việt Nam.

Xô viết Nghệ Tĩnh còn làm chấn động dư luận quốc tế. Trong thư của  Quốc tế Cộng sản gửi các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, ngày 27/2/1931 có nhận xét: Phong trào cách mạng sôi nổi trong các xứ Đông Dương đã góp phần tăng thêm ảnh hưởng Cộng sản trong thuộc địa, nhất là các nước phương Đông. Trong phiên họp ngày 11/4/1931, Hội nghị toàn thể lần thứ 11, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là Phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản.

Người xứ Nghệ hôm nay và mãi mãi vẫn một lòng nồng nàn yêu nước, trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Truyền thống của các làng đỏ ở Nghệ An, Hà Tĩnh luôn được phát huy. Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương giành chính quyền sớm trong cả nước. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ở thế kỷ XX, Nghệ An, Hà Tĩnh luôn là những tỉnh thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Người xứ Nghệ luôn can trường, dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh, hiếu học, yêu đời, say sưa sáng tạo văn hóa, hiền hòa, khoan dung mà thấm đẫm ân tình.

Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ  Tĩnh trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp phát triển đất nước. Xô viết Nghệ Tĩnh mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm sức mạnh để Nhân dân ta vững bước trên con đường cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2023), ngày 10/9, Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An dẫn đầu đã làm lễ dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Liệt sĩ Xô viết và Khu Di tích Xô viết Nghệ Tĩnh để tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Đoàn đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong cao trào cách mạng 1930-1931;  tiếp tục phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng phát triển; xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh, tiếp nối xứng đáng với danh hiệu Nghệ Tĩnh đỏ[2].

Trải qua 93 năm, phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh đầu thế kỷ hai mươi trở thành biểu tượng anh hùng, kiên trung, bất khuất của những người con quê hương xứ Nghệ. Xô viết Nghệ tĩnh đã trở thành ngọn lửa soi sáng, cổ vũ tinh thần đấu tranh oanh liệt, phong trào cách mạng của quân và dân ta vượt qua mọi gian nan thử thách, đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi lên Chủ nghĩa Xã hội.

**
1. PGS, TS. Trần Vũ Tài, Xô-viết Nghệ - Tĩnh 90 năm trường tồn cùng lịch sử dân tộc, Xây dựng Đảng, Tạp chí nghiên cứu, hướng dẫn công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ban tổ chức Trung ương, 11/9/2020.
2. Thành Châu, Tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Nhân dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 12/9/2023
 

 Đỗ Hồng Thanh

ĐCS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập114
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay9,478
  • Tháng hiện tại326,511
  • Tổng lượt truy cập14,980,405
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây