Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tai xanh ở lợn trên địa bàn Nghệ An

Thứ sáu - 31/07/2020 04:56
(Hội NDNA) - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có Công điện khẩn số 20/CĐ-UBND ngày 29/7/2020 yêu cầu tập trung chỉ đạo các giải pháp khẩn cấp phòng chống dịch tai xanh trên đàn lợn.
img 4507
Công điện khẩn của UBND tỉnh về phòng, chống dịch tai xanh trên lợn ngày 28/10.

Theo Công điện số 20, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 ổ dịch Tai xanh tại 4 hộ thuộc các huyện: Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Nguyên nhân dịch xảy ra là do thời tiết nắng nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn lợn tại một số địa phương đạt thấp, nhiều hộ chăn nuôi tự ý tái đàn khi chưa đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học...

Để chủ động phòng, chống, bao vây dịch Tai xanh ở lợn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Tai xanh. Cụ thể:
 
img 4508


Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp/Phòng Kinh tế kiểm tra đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp/Tram Chăn nuôi Thú y cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tiến hành lấy mẫu chẩn đoán xét nghiệm khi lợn có triệu chứng, bệnh tích điển hình bệnh Tai xanh; Hướng dẫn cho các địa phương công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, chăm sóc, nuôi dưỡng để chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững,...

Giao Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông cấp huyện tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh Tai xanh ở lợn; sự nguy hiểm của bệnh Tai xanh, các biện pháp phòng, chống dịch; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để người dân tự giác thực hiện tốt 6 không: “Không dấu dịch; Không mua, bán, giết mổ, ăn thịt lợn bị bệnh, không rõ nguồn gốc; Không vứt xác gia súc chết bừa bãi ra môi trường; Không sử dụng nước ao hồ, kênh mương chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi lợn; Không cho". lợn ăn thức ăn thừa chưa xử lý”.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, tập trung xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/xóm/bản đến cấp xã, huyện và tỉnh theo quy định hiện hành; Tăng cường quản lý việc tái đàn, tăng đàn, chỉ cho phép nuôi mới đối với các hộ đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học theo Công văn số 4112/SNN-CNTY ngày 31/12/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn tái đàn trong chăn nuôi lợn; Tổ chức tiêm phòng vắc xin các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đầy đủ cho lợn (gồm: LMLM, THT, Dịch tả), đối với vắc xin Tai xanh vận động người chăn nuôi tự bỏ kinh phí để tiêm phòng (chủng loại vắc xin theo hướng dẫn của ngành thú y); Tổ chức thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vận động nhân dân mua vôi bột xử lý chuồng trại chăn nuôi của gia đình; Tăng cường công tác quản lý giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn.
 
img 4509


Đối với các địa phương đang có dịch: Triển khai các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của ngành thú y. Trong đó, tập trung chỉ đạo tiêm phòng triệt để vắc xin Tai xanh cho đàn lợn tại các thôn, xóm nơi xảy ra dịch và các thôn, xóm liền kề.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch có hiệu quả; Chỉ đạo Tổ kiểm soát lưu động liên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; phối hợp với các đoàn liên ngành địa phương phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các Ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo, tham mưu công tác phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hóa chất,... để chủ động xử lý dịch trong diện hẹp; Căn cứ vào chủng virus Tai xanh lưu hành tại địa phương, xác định loại vắc xin sử dụng tiêm phòng cho lợn phù hợp, chủ động nguồn vắc xin để cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng chủng loại.

Các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng chống dịch bệnh Tai xanh ở lợn.

Hà Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập117
  • Hôm nay5,562
  • Tháng hiện tại203,204
  • Tổng lượt truy cập14,857,098
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây