Chưa có định nghĩa giấy tờ tùy thân là gì
Dù được sử dụng phổ biến trong đời sống hiện nay nhưng dưới góc độ pháp lý chưa có bất cứ văn bản nào đưa ra khái niệm giấy tờ tùy thân là gì. Chỉ có một số văn bản quy định cụ thể một loại giấy tờ là giấy tờ tùy thân chứ không mang tính liệt kê.
Trong đó, Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân; Nghị định 136/2007/NĐ-CP quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân hay Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.
Nhiều văn bản khác cũng đề cập đến giấy tờ tùy thân trong thành phần hồ sơ như Luật Công chứng, Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 123/2015 hướng dẫn Luật Hộ tịch… nhưng không có loại giấy tờ nào khác được khẳng định là giấy tờ tùy thân.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì tới thời điểm hiện tại chỉ Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân được trực tiếp khẳng định là giấy tờ tùy thân.
Một số giấy tờ có giá trị thay thế
Do chưa thống nhất cách hiểu nên mỗi lĩnh vực lại quy định giấy tờ tùy thân khác nhau. Cụ thể, tại Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định, người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ sau để chứng minh về nhân thân:
- Hộ chiếu;
- Chứng minh nhân dân;
- Thẻ Căn cước công dân;
- Giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
Theo đó, một số giấy tờ có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng được xác định là giấy tờ tùy thân như: Giấy phép lái xe, thẻ Đại biểu Quốc hội, thẻ Đảng viên…
Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không, hành khách mang quốc tịch Việt Nam khi bay các chuyến nội địa có thể xuất trình một trong 12 loại giấy tờ.
Theo đó, giấy tờ tùy thân lại được quy định theo từng lĩnh vực và tùy từng địa phương bên cạnh các loại giấy tờ tùy thân chung gồm: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân.