Phạt đến 1 tỷ đồng cho hành vi khai thác thủy sản trái phép

Thứ tư - 31/07/2019 22:51
undefined
undefined
Việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và ban hành Nghị định 49/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho thấy quyết tâm của Chính phủ, ngành chức năng trong việc phát triển một nghề cá bền vững, chứ không chỉ vì mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của EC.

Mức phạt cao nhất đến 1 tỷ đồng

 

Đã sắp đến thời điểm đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo phát triển một nghề cá bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường.

 phat den 1 ty dong cho hanh vi khai thac thuy san trai phep hinh anh 1

Việt Nam đang hướng đến xây dựng nghề cá bền vững. Ảnh: I.T

 

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, với 16 vụ, 26 tàu và 96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Cụ thể, ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 596/QĐ-TTg về việc thành lập BCĐ quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Theo Quyết định này, BCĐ quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU theo thông lệ quốc tế, các công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia; kiến nghị, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong chống khai thác IUU.

 

Trưởng BCĐ quốc gia về IUU là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ quốc gia về IUU là Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường; ủy viên BCĐ là lãnh đạo các cơ quan, địa phương có liên quan.

Bên cạnh đó, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản cũng được tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, Nghị định 49/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 300 -500 triệu đồng đối với chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m theo quy định.

 

Phạt tiền từ 500 - 700  triệu đồng đối với chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên.

Đặc biệt, phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn...

 

Vi phạm vẫn phức tạp

 

Trong một báo cáo của Tổng cục Thủy sản hồi tháng 4, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) thừa nhận một thực tế, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực Biển Đông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm thậm chí không giảm mà còn có xu hướng tăng.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong năm 2018, đã xảy ra 85 vụ với 137 tàu và 1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại vùng biển các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia…

 

Vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng là một hạn chế trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC hiện nay. Theo ông Hùng, hầu hết hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, phần lớn các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản không truy xuất được dữ liệu tàu cá cập cảng và sản lượng bốc dỡ từ sổ cái; khối lượng xác nhận nguyên liệu không khớp với nhật ký khai thác và biên bản kiểm soát tàu cá cập cảng. Vẫn còn trên 78% số tàu chưa thực hiện việc nộp nhật ký; 100% tàu được kiểm tra chưa nộp báo cáo khai thác theo quy định…

 

Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển; phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá và ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.

 

Khánh Nguyên

Theo: Danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay28,703
  • Tháng hiện tại921,987
  • Tổng lượt truy cập16,796,577
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây