Nhớ năm 2018, nắng nóng, cháy rừng, hạn khô kỷ lục ở Bắc bộ và miền Trung; nước mặn xâm hại nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long; dịch tả châu Phi gây thiệt hại chưa từng có với ngành chăn nuôi lợn; tác động từ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn; nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gay gắt hơn. Những khó khăn dồn dữ, bủa vây người nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam vốn còn manh mún, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh ở mức “hiền hòa”.
Có ngạc nhiên? Khi nông nghiệp trụ vững vàng, người nông dân làm nên thắng lợi với ¾ chỉ tiêu vượt mức: Xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ của rừng 41,85% và 54% số xã, 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mặc dù, còn chút bận tâm khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt 2,2% dưới mức 3% kế hoạch đề ra, nhưng thặng dư thương mại toàn ngành đã lập mốc 10,4 tỷ USD, là con số đáng mừng. ST25 – hạt gạo Việt Nam được xướng danh “Gạo ngon nhất thế giới” đã khắc vào trái tim ta niềm vui đang lớn... trong thực hiện có hiệu quả “Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; đổi mới mô hình tăng trưởng; tạo giá trị gia tăng và nâng sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa xuất khẩu.
Vui thì vui đấy kẻo là? Cái “kẻo là” ấy, làm cho người nông dân bỗng thầm thì phân ngả khi: Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát huy tròn tác dụng. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá nông sản chủ lực giảm; việc giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều điểm “nóng” ở phố thị và nông thôn. Và khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Điều đó cho thấy, sự phân bổ nguồn lực, huy động nguồn lực đi đôi với chăm lo đời sống người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở còn có “độ chênh” khá lớn giữa chính sách của trung ương với thực tiễn đang diễn ra ở các địa phương.
Chúng ta bắt đầu bước vào năm mới 2020, trong vòng xoay chuyển đổi “kinh tế số”. Nếu một khi buông lơi nông dân, nông nghiệp, nông thôn thì sẽ gặp vấn đề. Nông nghiệp rung rinh, nứt rạn… thì nền kinh tế sẽ lung lay, xã hội sẽ bất định. Vì thế mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cần lo cho người nông dân: Khi thêm tuổi mới là thêm khỏe, thêm vui, thêm niềm tin mới trong cuộc mưu sinh cho no đủ - làm giàu…?
Hạt lúa - vẫn hạt lúa ấy, con cá, trái cây, tấc đất vẫn nồng nàn…, nhưng không thể mãi khiêm tốn, hiền lành trong cạnh tranh và hội nhập. Muốn thịnh vượng, giàu sang thì đòi hỏi sự xốc xáo gay gắt về một tầng vỉa tri thức và khoa học kỹ thuật - công nghệ mới. Người nông dân phải đổi mới chính mình trong liên kết sản xuất, trong tính toán làm giàu với cách nghĩ thông minh và kỷ cương lao động. Có như vậy nghề nông mới được dâng cao, nông sản mới được hóa vào thị trường thế giới bằng những thương hiệu Việt Nam. Đó là thước đo, là chỉ số của niềm tin đang lớn khi mang theo cái lấp lánh của tình yêu, trách nhiệm với nhân dân và đất nước ngàn hoa!
Hoàng Trọng Thủy
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc