Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết "tam nông"

Thứ tư - 06/09/2023 23:36
(Hội NDNA) - Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngày 13/4/2023, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chương trình hành động số 49-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 “về nông nghiệp nông dân nông thôn đến năm 2030, tầm nhin đến năm 2045”. Đây là một nghị quyết rất quan trọng nhưng làm thế nào để tổ chức đưa nghị quyết vào cuộc sống có hiệu quả là một vấn đề lớn.
Nhân dịp Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, nhiệm kỳ 2023- 2028 sẽ được tổ chức vào ngày 26/9 tới đây,  Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Thế Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Vì sao tổ chức thực hiện nghị quyết vẫn là khâu yếu?


Từ khi có Đảng đến nay, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn xã hội trước hết bằng các nghị quyết vì thế các cấp ủy Đảng rất quan tâm đến việc tổ chức thực hiện nhưng một số nghị quyết chậm đi vào cuộc sống hoặc kết quả đạt được không như mong muốn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên nhưng chủ yếu là: Việc quán triệt để làm chuyển biến nhận thức đến cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa tốt, Nhà nước chậm thể chế hóa các chủ trương của Nghị quyết thành các văn bản pháp luật, chưa có phương án huy động, cân đối nguồn lực để thực hiện nghị quyết, không phân công cụ thể các nội dung của nghị quyết cho các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện và chưa làm rõ trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các tổ chức đó khi không hoàn thành nhiệm vụ; thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết thường xuyên và tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời theo quy định.
ung dung cong nghe cao trong nong nghiep 1
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nguồn: baonghean
Về nhận thức.
1. Nhận thức về giai cấp nông dân:
Nghị quyết tam nông bản chất và trên thực tế là nghị quyết về người nông dân, cốt lõi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là sự phát triển của giai cấp nông dân. Bất kỳ chủ trương, đường lối, chính sách nào liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều phải vì nông dân, từ người nông dân. Bác Hồ kính yêu đã từng khẳng định: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân…”(2). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, lao động nông nghiệp chiếm trên 33,1%, năm 2021 lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 45,4% lao động ở khu vực nông thôn. Ở nước ta, khi nói đến nhân dân là chủ yếu nói về nông dân, những người sống ở nông thôn. Sự ổn định của khu vực nông thôn liên quan rất lớn đến sự ổn định của đất nước. Giải quyết được vấn đề nông dân là giải quyết được các vấn đề khác của đất nước. Chính vì thế Trung ương nêu lên quan điểm rất rõ trong Nghị quyết số NQ-19/TW “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.

Để người nông dân đảm nhận được vai trò chủ thể, vị trí trung tâm thì phải từng bước thực hiện “tri thức hóa nông dân”, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phát triển và bảo vệ Tổ quốc để người nông dân tự hào và hãnh diện với nghề nghiệp của mình và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Xây dựng, phát triển tầng lớp nông dân mới, nông dân văn minh rất cần Nhà nước bổ sung chính sách khuyến khích và đào tạo họ thành những người nông dân chuyên nghiệp, thích làm ruộng, biết làm ruộng, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên, dám đầu tư làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời Nhà nước cần trao quyền cho họ và cùng họ vận hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Hiện nay có hai tổ chức là Hội Nông dân Việt Nam và hợp tác xã nông nghiệp là điểm tựa cho người nông dân. Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để làm thật tốt một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên. Hợp tác xã nông nghiệp phải là hợp tác xã kiểu mới, liên kết được các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho họ.
img 20230712 095946 2
Nông dân ra quân làm thủy lợi tại Đô Lương. Ảnh: Hội ND Đô Lương

2. Nhận thức về nông nghiệp:

Trong bài “Gửi nông gia Việt Nam” đăngtrên tờ báo Tấc đất số 1 ngày 07/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấ canh nông làm gốc… Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thực tế từ trước đến nay nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của đất nước và được Đảng ta khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả trong nước và ngoài nước, đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo”(3).
hoi nd tinh danh gia mo hinh canh tac lua than thien moi truong tai hung nguyen
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh kiểm tra, đánh giá mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Hưng Nguyên

Trên cơ sở quan điểm đó phải chuyển mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp có năng suất, chất lượng cao, đổi mới nhận thức về đất đai, đầu tư công để có chính sách hợp lý,… thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nền nông nghiệp có trách nhiệm, có khả năng cạnh tranh cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế – xã hội cao và bền vững.

3. Nhận thức về nông thôn:

Cần có nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng: “Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp…”(4).

Trên cơ sở quan điểm đó phải tiếp tục bổ sung chính sách đầu tư cao hơn cho phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, khắc phục tình trạng một số địa phương đang bê tông hóa nông thôn, dân bỏ hoang hóa đất nông nghiệp, ly nông, ly quê gia tăng và mai một dần bản sắc văn hóa làng quê. Các cấp ủy đảng thường xuyên lãnh đạo, kiểm tra việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từng bước cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đảm bảo môi trường, an ninh, trật tự, tăng cường đầu tư phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị,… Đặc biệt Nhà nước cần có các chương trình, đề án đủ mạnh để đào tạo thanh niên nông thôn và những người nông dân thực sự muốn làm nông nghiệp, coi đó là chính sách phát triển, là đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, để có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, làm chủ ruộng đồng, làm chủ thị trường, làm chủ công nghệ và kỹ thuật,…
25vuon chuan nong thon moi dat giai nhat tinh tai xa nghi long

Về thể chế hóa, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương lớn của nghị quyết tam nông.

Thời gian qua, một nghị quyết sớm vào được cuộc sống khi nghị quyết đó được Nhà nước thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng thành các văn bản pháp luật để cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện. Đối với nghị quyết tam nông, việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong nghị quyết về đất đai, đầu tư công, tài chính, tín dụng, khoa học – công nghệ, bảo hiểm nông nghiệp,…

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất cần thiết, trong đó chính sách về đất đai được mỗi người dân đặc biệt quan tâm. Thực tế vừa qua cho thấy có đến khoảng 80% đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất ở nông thôn để thực hiện cơ giới hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa  học công nghệ, tăng năng suất cây trồng, năng suất lao động,… nhưng còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ liên quan chính sách đất đai cần được xem xét, tháo gỡ. Hiện nay, cơn sốt đất đã tràn về nông thôn, giá đất tăng cao nên điều kiện để tích tụ và tập trung ruộng đất càng khó khăn hơn. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ngoài những ưu điểm to lớn cũng đặt ra vấn đề một bộ phận nông dân mất đất nên di cư ra đô thị tìm kiếm việc làm, vì thế dân cư đô thị tăng nhanh, kéo theo sự gia tăng chi phí cho phát triển đô thị.
 
"Ở nước ta, khi nói đến nhân dân là chủ yếu nói về nông dân, những người sống ở nông thôn. Sự ổn định của khu vực nông thôn liên quan rất lớn đến sự ổn định của đất nước. Giải quyết được vấn đề nông dân là giir quyết được các vấn đề khác của đất nước"

Về phân công thực hiện Nghị quyết “tam nông”

Đây là nghị quyết được Trung ương phân công, giao nhiệm vụ rất rõ cho Bộ Chính trị, các tỉnh, thành ủy, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương. Trên cơ sở đó đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả để tạo sự chuyển biến, tiến bộ trong thời gian tới.
z4467682516936 ba9a2aa537fb25a62250fd90af744385
Hàng cây nông dân ơn Bác ở Hưng Nguyên

Để 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW được triển khai trong thực tế rất cần thiết được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phân công rõ nhiệm vụ cho các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng cấp thực hiện. Việc phân cấp, phân quyền theo hướng lấy hiệu quả làm thước đo để tổ chức nào cũng rõ việc mình phải làm, rõ sản phẩm và thời gian hoàn thành. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nghị quyết nào được phân công cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị gắn với kết quả thực hiện thì nghị quyết đó có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống.

Về kiểm tra, sơ kết, tổng kết Nghị quyết “tam nông”

Một trong những bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng là “Không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Đây là một giải pháp rất cần thiết để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghị quyết. Thông qua công tác kiểm tra thường xuyên để phát hiện những đơn vị làm tốt, những đơn vị làm chưa tốt hoặc có dấu hiệu sai sót để góp ý kịp thời. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện nghị quyết. Đi đôi với trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các cấp ủy đảng phải tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức chính trị – xã hội và người dân tham gia giám sát, kiểm tra cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nghị quyết.
 
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nghị quyết nào được phân công cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị gắn với kết quả thực hiện thì nghị quyết đó có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống.

Theo quy định của Trung ương, mỗi nghị quyết sau 5 năm thực hiện phải được sơ kết và sau 10 năm thì tổng kết. Qua sơ kết, tổng kết  từ cơ sở lên (trên cơ sở khảo sát, đánh giá khách quan, công tâm kết quả đạt được) để kịp thời biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt, phê bình tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt và xác định nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Sau tổng kết 10 năm hoặc 20 năm, tùy kết quả và tình hình cụ thể để có thể ra kết luận hoặc xây dựng, ban hành nghị quyết mới.
* * * * *
Nghị quyết tam nông (Nghị quyết số 19-NQ/TW, khóa XIII) mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất định sẽ được tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như mục tiêu nghị quyết đặt ra.

Nguyễn Thế Trung

Nguyên nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập309
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại667,876
  • Tổng lượt truy cập16,542,466
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây