Ba anh hùng người Nghệ tiêu biểu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ năm - 02/05/2024 04:20
(Hội NDNA) - Trong chiến dịch lịch sử “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của quân thù, đã xuất hiện biết bao tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”; đã có 19 chiến sĩ Điện Biên được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tỉnh Nghệ An vinh dự được Nhà nước phong tặng 3 anh hùng lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là: Anh hùng, liệt sĩ Trần Can, quê xã Sơn Thành, huyện Yên Thành; Anh hùng Phan Tư, quê ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành; Anh hùng Đặng Đình Hồ quê ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương.

Liệt sĩ, Anh hùng Trần Can 
 
anh hung liet si tran can
Anh hùng Trần Can sinh năm 1931, quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, nhập ngũ tháng 1/1951.
Từ khi vào bộ đội, anh chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, chỉ huy hết sức linh hoạt và trở thành tấm gương cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công sôi nổi trong toàn đơn vị.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy, cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch lên cứ điểm Him Lam.

Trong trận này, tiểu đội Trần Can bắt sống 25 tên địch, thu nhiều vũ khí. Đặc biệt, trong trận đánh chiếm điểm cao 507, Trần Can đã dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên đánh chiếm mỏm Cột Cờ.

Khi ta và địch đánh giáp lá cà, Trần Can bị thương nặng nhưng với quyết tâm mãnh liệt, Trần Can đã thay thế cán bộ đại đội tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu, kiên quyết giữ vững trận địa để cùng toàn đơn vị tiến lên chiếm sở chỉ huy ở trung tâm Mường Thanh, góp phần tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm của địch. Do bị thương quá nặng, Trần Can đã hy sinh anh dũng vào sáng ngày 7/5/1954, trước giờ toàn thắng chỉ 1 tiếng đồng hồ. 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Trần Can được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công (hạng Nhì và hạng Ba), một Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai lần được bầu là Chiến sỹ thi đua của Đại đoàn 312. Ngày 7/5/1956, đồng chí được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Liệt sĩ, Anh hùng Đặng Đình Hồ 
 
anh hung dang dinh ho
Anh hùng Đặng Đình Hồ sinh năm 1925, quê ở xã Thanh Bình (nay là xã Phong Thịnh), huyện Thanh Chương.
 
Nhập ngũ năm 1950, Đặng Đình Hồ có tác phong chiến đấu linh hoạt, táo bạo, đã nổ súng là kiên quyết xung phong tiêu diệt địch, dù bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu, có tác dụng cổ vũ đơn vị hăng hái thi đua giết giặc lập công.

Trận Đồi Mồi trong Chiến dịch Hòa Bình (tháng 1 năm 1952), khi nổ súng, ông đã nhanh chóng dẫn đầu tổ ba người xông lên cửa mở, chiếm lô cốt đầu cầu, tạo điều kiện cho đơn vị đánh thẳng vào trung tâm, diệt một đại đội địch, làm chủ trận địa. Trong khi chiến đấu, Đặng Đình Hồ bị thương cả hai mắt, nhưng tự bỏ ra ngoài để anh em dìu về trạm quân y, nhường cáng thương cho đồng chí khác.

Tháng 4 năm 1954, Đặng Đình Hồ phụ trách Trung đội phó trung đội dũng sĩ của trung đoàn ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị nhận lệnh phối hợp với đại đội bạn đánh sở chỉ huy địch ở đồi C. Bước vào trận đánh, đồng đội chưa mở được cửa đã bị thương vong nhiều, Đặng Đình Hồ đề nghị xin lên đánh nhưng bộc phá hết, phải chờ, giữa lúc đó đồng chí không may bị thương. Nhưng đồng chí vẫn kiên quyết ở lại chỉ huy đơn vị, chờ bộc phá đưa lên mở được cửa mới chịu để anh em đưa ra ngoài.

Anh hùng Đặng Đình Hồ đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến Công hạng nhì, 7 lần được tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn khen và là Chiến sĩ thi đua của trung đoàn. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Đặng Đình Hồ được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân Chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Liệt sĩ, Anh Hùng Phan Tư
anh hung phan tu

Anh Hùng Phan Tư, sinh năm 1931. Quê quán: Xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nhập ngũ: 6/1951. 

Từ khi nhập ngũ đến tháng 7/1954 đồng chí Phan Tư là chiến sĩ công binh, tham gia 4 chiến dịch lớn ở Bắc Bộ. Trong các nhiệm vụ; mở đường, phá bom, phá thác bảo đảm giao thông, đồng chí Phan Tư đều vượt qua khó khăn, nguy hiểm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiến dịch Hoà Bình 1952, đồng chí Phan Tư làm nhiệm vụ quan sát và phá bom nổ chậm, có lần địch đánh phá ác liệt, bảo đảm đường giao thông vận tải, bom nổ chậm gần, đồng chí Phan Tư vẫn động viên đồng đội bình tĩnh quan sát bom rơi, có quả bom nổ chậm vùi sâu phải đào và tháo gỡ liên tục trong 4 tiếng đồng hồ, quá giờ an toàn quy định nhưng đồng chí vẫn dũng cảm kiên quyết tháo bằng được để thông đường.

Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phan Tư làm nhiệm vụ quan sát, có lần máy bay địch ném bom xong, rồi quay trở lại bất ngờ, đồng chí đã nằm ngay tại mặt đường để quan sát bom rơi. Khi quả bom nổ chậm nằm giữa mặt đường, do không nắm được giờ an toàn nên không ai dám vượt qua, dân công bị ùn lại, đồng chí đã dũng cảm đốt đuốc đứng cạnh quả bom làm lộ tiêu cho dân công vượt qua an toàn.

Tháng 2/1954, trung đội đồng chí Phan Tư nhận nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na, nước chảy xiết, trời rét buốt địa hình khó, đồng chí Phan Tư đã xung phong ôm 6 kg thuốc nổ đốt ngòi sẵn nhoài người ấn khối thuốc nổ vào khe đá, vừa ngoi lên khỏi mặt nước thì khối thuốc nổ. Đồng chí cùng đồng đội đã phá 30 thác bảo đảm thông luồng cho thuyền chở vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được dễ dàng.

Không những lo lắng cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đồng chí Phan Tư còn thường xuyên trú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt. Vì vậy trung đội do đồng chí chỉ huy luôn là trung đội dẫn đầu đại đội trong công tác, chiến đấu cũng như sinh hoạt rèn luyện.

Lê Tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập188
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại667,091
  • Tổng lượt truy cập16,541,681
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây