NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Nông dân được thụ hưởng ít nhất, nghèo nhất và ít được quan tâm nhất
Thứ năm - 28/10/2021 20:439710
(Hội NDNA) - Chiều 28/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì buổi tọa đàm.
Đánh giá về sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể, theo Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, vấn đề cần giải quyết hiện nay, đó là thị trường rất lớn nhưng người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở khu vực nông nghiệp, nông thôn được nói đến nhiều nhưng thực tế công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến đâu cũng rất khó nói, nó là cái gì, hiện tại đang ở đâu và chúng ta cần cái gì? Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nêu vấn đề.
"Hơn 20 năm rồi chúng ta nói đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhưng trong thực tế bây giờ để đánh giá như thế nào, cần gì, thiếu gì, khuyết gì, tồn tại, hạn chế gì là rất khó", ông Đoàn nói.
Theo Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, chỉ khi nào người nông dân có đủ năng lực, kỹ năng, trình độ về mọi mặt (kiến thức khoa học, xã hội, sản xuất…) thì người nông dân sẽ đóng vai trò chủ thể, trung tâm. Để làm được điều này thì vai trò của Hội Nông dân Việt Nam cần được khẳng định, tạo sức ảnh hưởng.
Hiện nay, thực tế ở nông thôn xuất hiện tâm lý rất nặng nề, chưa giải quyết được, đó là hợp tác xã kiểu cũ và hợp tác xã kiểu mới cho người nông dân. "Trong khu vực miền Tây rất cần hợp tác xã nhưng nông dân lại rất sợ vào hợp tác xã".
Ông Đoàn cho rằng, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã thì không dựa trên cơ sở nhu cầu của người nông dân mong muốn. Năng lực quản trị của Chủ tịch hợp tác xã, Giám đốc hợp tác xã chỉ là một phần, phần chính là bản thân người nông dân chưa thấy rằng nhu cầu của mình, tức là kinh tế hộ vẫn còn.
"Khi chúng ta làm cho người nông dân hiểu thì người ta sẽ bỏ dần tư tưởng chụp giật, nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, nếu trong nông nghiệp không xây dựng vùng nguyên liệu để kết nối thì hợp tác xã không tồn tại được", ông Đoàn phân tích.
Theo ông Đoàn, địa phương nào xây dựng được vùng nguyên liệu lớn thì hợp tác xã mới phát triển. Hợp tác xã sống được phải có liên kết với nhau, không có vùng nguyên liệu thì lợi ích mang lại cho hợp tác xã và thành viên rất nhỏ.
Hiện nay, ở các tỉnh miền Bắc một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả thì phần nào đó "trá hình". Bởi vì, Giám đốc, Chủ tịch hợp tác xã có đầu ra rất ổn định nhưng toàn bộ thành viên không được hưởng lợi ích gì từ hợp tác xã.
Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, chúng ta lập nên hợp tác xã nhưng không chuẩn bị cho đội ngũ điều hành, quản trị. Thực tế cho thấy, 70 - 80% Giám đốc hợp tác xã không biết lập phương án sản xuất, và đây là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hợp tác xã và ngân hàng.
"Ngân hàng cho vay thì Hợp tác xã phải có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý. Nếu không hợp lý thì ngân hàng không cho vay, "mượn ông nọ, ông kia" dẫn đến mẫu thuẫn giữa ngân hàng với hợp tác xã", ông Đoàn nêu vấn đề.
Một câu chuyện bất cập nữa được Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nêu tại Tọa đàm, đó là, "bản thân chúng ta đang phá chúng ta về nông nghiệp". Ông Đoàn lấy ví dụ, về sản phẩm cây có múi, hiện nay hễ thấy tỉnh nào làm được thì các tỉnh khác đều làm theo, phát triển tràn lan.
"Tại Đồng Tháp, An Giang có tiềm năng trồng xoài VietGAP rất tốt, nhưng không quy hoạch được, bởi các địa phương khác cũng thi nhau trồng. Tiếp đó, trái thanh long lợi thế Bình Thuận, Long An thì hầu như các tỉnh miền Bắc đều trồng, điều này làm mất đi lợi thế từ chính thị trường trong nước", ông Đoàn nói.
Về những vấn đề người nông dân được thụ hưởng, ông Đoàn chia sẻ: "Người nông dân đóng góp và hi sinh nhiều nhất nhưng được thụ hưởng ít nhất, nghèo nhất và ít được quan tâm nhất".
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, người nông dân thu nhập từ nông nghiệp chỉ đạt 22%, điều này cho thấy rủi ro của người nông dân khi sản xuất nông nghiệp là rất lớn.
"Đáng lẽ người nông dân được hưởng thì họ lại phải đóng góp lớn nhất. Từ điện, đường, trường, trạm… người nông dân phải đóng góp".
Theo ông Đoàn, dân trí thấp đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, quyền làm chủ, thụ hưởng của người nông dân. Một trong những việc Hội Nông dân Việt Nam quan tâm là thúc đẩy người nông dân thay đổi mới là điều quan trọng.
"Người nông dân cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của chính sách, bản thân suy nghĩ của họ vẫn không thay đổi, ruộng đất ngày càng ít đi. Hiện nay, một số cơ chế chính sách, chủ trương chúng ta vẫn còn đang làm thay, đặc biệt nghĩ thay nông dân", ông Đoàn chia sẻ.
Đối với vấn đề đất đai, theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, khoảng cách lợi tức từ địa tô vẫn còn quá lớn. Người nông dân quá thiệt thòi trong chuyện đất đai. Nông dân mất đất, bị thu hồi đất để làm khu công nghiệp. Nếu có đền bù cho nông dân xong "mặc kệ". Nông dân cầm một khoản tiền lớn và tiêu tan rất nhanh chóng, lẽ ra với số tiền đó chúng ta nên định hướng cho nông dân cách sử dụng đồng tiền đó để tạo ra sinh kế".
Một vấn đề nữa, khi xây dựng các khu công nghiệp, con em của người nông dân lại không được làm trong khu công nghiệp. "Nhìn lại các doanh nghiệp, đại gia lớn đều đi lên từ đất đai, trong khi nông dân, thiệt thòi, mất mát, mất đất", ông Lương Quốc Đoàn chia sẻ.