NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Hướng xóa đói giảm nghèo cho nông dân ở huyện vùng cao Tương Dương
Thứ tư - 03/05/2023 23:289990
(Hội NDNA) - Từ bỏ dần thói quen thả rông gia súc, những năm gần đây người dân tại các làng, bản của huyện miền núi Tương Dương thực hiện chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo thu hồi vốn nhanh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.
Làng Bãi Sở, xã Tam Quang là một làng thuần nông, có 190 hộ dân với 867 nhân khẩu, có 02 dân tộc anh em cùng sinh sống (kinh, thái). Trong đó, hội viên có 120 hội viên nông dân, chủ yếu làm nông, chăn nuôi và trồng trọt. Làng có 18 ha diện tích trồng lúa nước và khoảng 45ha diện tích đất bằng trồng hoa màu.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu hội Nông dân xã Tam Quang nhiệm kỳ 2018 - 2023 về việc đăng ký các mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi trâu bò vỗ béo để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, chi hội nông dân làng Bãi Sở đã xác định chăn nuôi, trồng trọt là nhiệm vụ chủ yếu và thường xuyên của hội viên. Trong đó, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và trồng rừng là một trong những hướng đi tốt nhất của các hội viên bởi gia đình ở đây có đủ các yếu tố cần thiết như: có sức lao động, có tính cần cù chịu khó, có diện tích để trồng cỏ, trồng ngô, trồng sắn để làm thức ăn tinh cho trâu bò. Đó cũng là những yếu tố cần thiết cho việc phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo hàng hóa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Ngọ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Bãi Sở cho biết: “Năm 2021, Chi hội nông dân Bãi Sở thực hiện rất thành công về việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo có 20 hộ tham gia với 68 con trâu bò. Sau khi được BCH Chi hội vận động tham gia đến cuối năm 2022 có 35 hộ tham gia và có 126 con trâu, bò. Ban đầu hội viên chỉ nuôi từ 1 - 2 con, chủ yếu là tận dụng sức cày kéo, sau đó được hướng dẫn, trải nghiệm thực tế thì các hội viên thấy được nuôi trâu bò vỗ béo là một công việc có thể tạo ra thu nhập hàng năm cho các gia đình. Các hộ dân đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội từ 20 - 60 triệu đồng để mua thêm trâu bò. Từ đó, tăng số lượng trâu bò lên từ 2 - 7 con, như hộ ông Trần Văn Đô, hộ ông Trần Văn Hoa 8 con, Nguyễn Thủ Nam 10 con; hộ ông Nguyễn Hữu Ngọc 11 con, hộ ông Nguyễn Hữu Minh 12 con, ..”
Quá trình chăm sóc không đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, có hội viên trên 60 tuổi vẫn đảm nhiệm nuôi 12 con trâu bò, có hội viên vừa làm nghề thợ xây vẫn đảm nhiệm nuôi được 8 con bò. Mỗi lứa nuôi khoảng 5 - 8 con trâu bò, thời gian để vỗ béo 03 tháng, sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y, vật tư chăn nuôi thì lãi khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Thủ Thanh cho biết: “Thông qua Hội Nông dân xã, gia đình ông được hỗ trợ vay 50 triệu từ Ngân hàng CSXH huyện Tương Dương. Có vốn, ông đầu tư nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo. Bình quân, gia đình nuôi 2 lứa trâu, bò/năm, 8-10 con/lứa. Chỉ trong thời gian 3 - 4 tháng, thu lãi trên 2 triệu đồng/con/lứa, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô, gia đình tận dụng phế phẩm chăn nuôi để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nhờ có nguồn vốn vay, mỗi năm nhà tôi thu nhập trên 50 triệu đồng, kinh tế gia đình từng bước được ổn định”.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo đang trở thành một nghề của bà con xã Tam Quang. Xã đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng để mang lại thu nhập ổn định, tạo đà phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Từ kết quả đạt được nêu trên nhiều hộ dân trong toàn xã cũng từ đó học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nuôi trâu bò vỗ béo theo hướng hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 1.706 con trâu, 3.211 con bò. Mấy năm nay, thương lái từ các xã và các huyện như Diễn Châu, Nam Đàn, Con Cuông …đã tìm đến thị trường gia súc xã thu mua. Để chủ động thức ăn cho đàn trâu bò ngày càng phát triển, nhiều gia đình đã chủ động sử dụng diện tích đất ven suối, soi bãi; chuyển đổi đất vườn, đồi trồng ngô, lúa năng suất thấp sang trồng cỏ. Hiện, toàn xã có hơn 49 ha cỏ voi, cỏ VA06, con số này còn tiếp tục tăng lên.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo của bà con xã đem lại hiệu quả nhiều mặt, vừa góp phần giải quyết việc làm, giúp phát tiển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập, vừa giúp người dân giảm nghèo bền vững. Mô hình cũng được coi là giải pháp chính, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã Tam Quang.
Với kết quả đạt được đáng kể nêu trên, trong thời gian tới, chi hội sẽ tiếp tục vận động các hội viên, các hộ dân trong làng tham gia mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo để tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình. Cuộc sống ổn định, bà con trong làng, xã đã tích cực góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới. Hứa hẹn rằng, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn xã và nhiều địa phương khác.