Hội Nông dân huyện Thanh Chương: Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 16/07/2024 22:55
(Hội NDNA) - Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thanh Chương luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, đời sống của hội viên, nông dân.
1 9
Đ/c Nguyễn Văn Đệ -TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thăm mô hình chăn nuôi gà tại huyện Thanh Chương
Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Mô hình “Nuôi gà công nghệ cao” được khởi công xây dựng từ tháng 3/2024 do 10 hộ nông dân tại xã Thanh Lâm liên kết với Tập đoàn Greenfeed triển khai thực hiện với sự đồng hành, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp. Mô hình có tổng diện tích chuồng trại hơn 1.500m, công suất thiết kế 10.000 con/lứa, sau hơn 3 tháng xây dựng, đến nay toàn bộ hệ thống chuồng trại, trang thiết bị đã hoàn thiện và đưa vào vận hành. Toàn bộ quy trình chăn nuôi được thực hiện khép kín và ứng dụng công nghệ hiện đại. Với mô hình nuôi này, gà được đảm bảo nuôi trong điều kiện lý tưởng về nhiệt độ, thức ăn, nước uống và môi trường, giúp gà phát triển khỏe mạnh và đồng đều về chất lượng. Sau 90 ngày, trung bình gà sẽ có trọng lượng từ 2,3 - 2,5 kg/con và có thể xuất bán. Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương giải ngân cho vay nguồn vốn 1 tỷ đồng để thực hiện dự án này.

Nguồn vốn này sẽ giúp hội viên nông dân của xã Thanh Lâm có thêm động lực và trách nhiệm trong quá trình đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương; qua đó, góp phần khẳng định vai trò tổ chức Hội Nông dân.
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thanh Chương liên kết phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng nhiều mô hình theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, hội đã phối hợp với các Công ty duy trì và mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị như: Phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam áp dụng các kỹ thuật trồng cam hữu cơ tại các trang trại (Thanh Đức), Chăn nuôi vịt, gà công nghệ cao 13.000 con vịt; 10.000 con gà (Thanh Lâm), phối hợp với HTX Tân Hưng Thịnh tiếp tục mở rộng mô hình trồng Sâm Thổ hào; xây dựng mô hình nhân giống, trồng và chế biến một số sản phẩm từ cây xạ đen tại xã Thanh Hà... (Thanh Hà, 5 ha), Cá mè thương phẩm 65ha (Thanh Xuân, Thanh Lâm), sản xuất chè hữu cơ (Thanh Mai), Ốc bươu đen (Thanh Hương, Thanh Hoà, Thanh Tiên)...; phối hợp với Công ty GSC triển khai mô hình trồng Mướp lấy xơ theo chuỗi sản phẩm trên diện tích 5ha tại các xã Thanh Hoà, Thanh Tiên, Thanh Chi, Thanh Khê.

Cùng đó, từ phong trào "Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, đã xuất hiện nhiều mô hình và cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như các hộ: Đinh Nho Phú Quý – xã Thanh Lâm, Phạm Viết Đức  - Thanh Hương, Nguyễn Văn Đường- xã Thanh Mai, Trần Công Sơn – xã Thanh Mỹ, Nguyễn Xuân Đắc - xã Thanh Liên...; mô hình liên kết sản xuất chè tại xã Thanh Mai; các mô hình nuôi cá lồng ở Thị trấn Thanh Chương, nuôi ốc bươu đen ở xã Thanh Hương, Chồn hương tại xã Thanh Tiên, Thanh Hương; Nuôi Hươu lấy nhung tại xã Thanh Liên...

Song song với việc hỗ trợ hội viên phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế, Hội Nông dân huyện Thanh Chương chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân huyện Thanh Chương đã thành lập được 2 tổ hội nông dân nghề nghiệp: Tổ hội nghề nghiệp nuôi gà đen với 10 hộ tham gia tại xã Ngọc Lâm; Tổ hội xây dựng vườn mẫu nông dân, vườn chuẩn nông thôn mới với 15 hộ tham gia tại xã Thanh Hương; thành lập 2 tổ hợp tác: Tổ nuôi ong lấy mật tại xã Thanh Dương (8 thành viên) và tổ trồng bí tại xã Hạnh Lâm (5 thành viên). Hội cũng đã chỉ đạo cơ sở xây dựng 14 mô hình tập thể bằng cách gom đất khó canh tác của dân như mô hình bí xanh (Thanh Hòa, Thanh Dương, Thanh Yên, Thanh Khai, Thanh Xuân, Thanh Ngọc, Hạnh Lâm...), trồng mướp lấy xơ (Thanh Tiên, Thanh Chi, Thanh Dương, Thanh Khê, Thanh Hòa), trồng dưa hấu (Thanh Thịnh)...

Đóng góp xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò chủ thể của hội viên nông dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội Nông dân huyện Thanh Chương đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng và phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm thiết thực. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, hội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp hơn 85 triệu đồng, hiến 24.450m2 đất, 2.210m bờ rào, hơn 300 cây cối các loại; làm mới 24km đường bê tông và kiên cố hóa 40km kênh mương.
 
z5640427463229 72f45f15d8e2cf5a9fe3bda025385360
Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Chương thăm mô hình trồng mướp lấy xơ trên địa bàn huyện
Hội Nông dân huyện Thanh Chương cũng đã triển khai trồng dặm và trồng mới 67 hàng cây nâng tổng số đến nay 169 hàng cây “Nông dân ơn Bác”, 15 vườn cây với tổng số 10.062 cây các loại; trồng 10.280 cây theo chương trình 1 triệu cây xanh; xây dựng được 87 vườn mẫu nông dân và phối hợp xây dựng 10 vườn chuẩn theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục duy trì 40 mô hình xử lý rác thải hữu cơ và hơn 21.450 hố xử lý rác tại gia; có 216 điểm tập kết rác thải được xây dựng và đặt tại các cánh đồng, các trường học, chợ; có 318 tổ thu gom rác thải sinh hoạt và hoạt động có hiệu quả; có 15 xã đã tiến hành xây dựng bãi tập kết rác thải tập trung. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 8 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn do Hội Nông dân quản lý. Hội đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lên các sàn giao dịch điện tử quảng bá các sản phẩm đặc trưng của huyện nhà đến các huyện trong và ngoài tỉnh. Đến nay đã có 11/34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lên sàn giao dịch.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân tích cực lao động, sản xuất, Hội Nông dân huyện Thanh Chương triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân. Nhờ đó, hội viên từng bước đổi mới tư duy, biết quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Đến nay Hội Nông dân huyện tiếp tục duy trì và quản lý hơn 5 tỷ đồng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cho nông dân vay vốn; phối hợp với Ngân hàng CSXH vay vốn cho nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi đến nay tổng dư nợ hơn 203 tỷ đồng, 106 tổ, 3.993 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hội viên, nông dân vay vốn. Tổng dư nợ đến nay là 1.449 tỷ đồng, tại 248 tổ xã, cho 7.591 hộ vay.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện Thanh Chương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân phát triển nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch vùng sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chất lượng. Ngoài ra, thường xuyên phối hợp thực hiện những chính sách hỗ trợ nông dân về ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, liên kết sản xuất và kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, dần thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới, có sự liên kết chuỗi giá trị,...

Nguyễn Xuân Khánh

(Chủ tịch Hội ND huyện Thanh Chương)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập144
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay31,693
  • Tháng hiện tại730,613
  • Tổng lượt truy cập16,605,203
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây