|
Tại hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả thực hiện và triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế bệnh DTLCP", ngành chăn nuôi Nghệ An thống kê số lượng lợn bệnh phải tiến hành tiêu hủy của tỉnh chỉ chiếm khoảng 5,8% tổng đàn, ít hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa hơn 17%; Thừa Thiên - Huế hơn 37%, Quảng Trị hơn 17%...)
Dù vậy diễn biến thực tế ngày càng đáng lo, xét cả tính chất lẫn quy mô dịch khiến địa phương lo ngay ngáy. Với tình hình hiện tại, nếu Nghệ An không kịp thời đưa ra phương án xử lý phù hợp, e rằng nguy cơ "vỡ trận" là điều khó tránh.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Văn Lập, DTLCP chuyển biến phức tạp từ sau cơn bão số 4. Nội trong khoảng 1 tháng qua toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 42.000 con, bình quân hơn 1.000 con/ ngày. “Thời gian đầu các địa phương cho thấy quyết tâm cao độ khi huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhờ đó cơ bản kiểm soát tốt tình hình . Tuy nhiên do thời gian phòng, chống dịch kéo dài, trong khi nguồn ngân sách lại eo hẹp đã dẫn đến tư tưởng chủ quan, lơ là ở một số nơi”, ông Lập cho biết thêm.
Qua theo dõi thực tế, nhìn chung ngành chăn nuôi tại địa phương này đang bộc lộ hàng loạt vấn đề. Đầu tiên là công tác quản lý giết mổ và tiêu thụ lợn, hiện trên địa bàn mới chỉ có 40 cơ sở giết mổ tập trung và 60 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được cơ quan chuyên ngành thẩm định, còn lại phần đa vẫn áp dụng theo phương thức truyền thống vốn không đảm bảo vệ sinh thú y lẫn điều kiện ATTP.
Cách thức của người dân cũng là điều đáng bàn. Qua rà soát, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm đến 88,8% tổng đàn lợn, những mô hình trên rất khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch và an toàn sinh học, cộng thêm yếu tố thời tiết bất thuận đã làm suy giảm nhanh chóng sức đề kháng của vật nuôi.
|
Cùng với đó là ý thức trách nhiệm của người nuôi, phải thừa nhận việc tuân thủ theo quy định chưa được thực hiện đồng bộ, vì lợi ích trước mắt nhiều trường hợp sẵn sàng bất chấp. Đơn cử khi thấy thị trường nhích dần lên, không ít hộ đã tự ý tái đàn dù trước đó cơ quan chuyên ngành đã ra sức khuyến cao, “phong trào” này phổ biến tại 2 huyện Nam Đàn và Đô Lương.
Từ cơ sở thực tế, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống DTLCP theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ NN-PTNT. Phải thực hiện chống dịch từ cơ sở, từ chính người dân, phải xác định chống dịch như chống giặc.
“DTLCP đang chuyển biến phức tạp nhưng không phải không có phương án phòng chống. Qua 8 tháng theo dõi thực tế, việc áp dụng biện pháp an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm sinh học thực sự mang lại hiệu quả. Quá trình thực hiện địa phương phải tiến hành tiêu độc khử trùng tổng thể, cần lập chốt chặn kiểm tra ra, vào theo đúng quy định. Tất cả các quy trình phải được triển khai đồng bộ và nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng", Thứ trưởng khẳng định.
|
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Thái Thanh Quý lưu ý các đơn vị liên quan phải theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, kịp thời triển khai phương án trong mọi tình huống. Để khống chế được dịch, nhất thiết các thành viên Ban chỉ đạo phải tự ý thức nâng cao trách nhiệm, phải quyết liệt hơn nữa. Từ nay đến cuối năm dự báo thời tiết có nhiều bất lợi, do đó cần tập trung cao độ, tất cả với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
VIỆT KHÁNH
Nguồn tin: nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc