Bất chấp khuyến cáo, nông dân ở Nghệ An gieo mạ sớm, không phủ nilon

Thứ sáu - 20/12/2019 04:37
Theo lịch nông vụ, phải đến trung tuần tháng 1/2020 mới tiến hành xuống giống vụ xuân, song từ đầu tháng 12, nhiều địa phương ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã bắc mạ, tập trung ở các xã: Hưng Thịnh, Hưng Phúc, Hưng Nhân…
1
Hiện ở huyện Hưng Nguyên nhiều vùng đồng mạ đã lên xanh mặc dù lịch thời vụ thì phải đến ngày 8 - 25/1 mới xuống giống vụ xuân. Ảnh: Thanh Phúc
Vụ xuân năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Mai, nông dân xóm Yên Phú, xã Hưng Thịnh làm 9 sào ruộng, trong đó có 5 sào thuộc vùng thấp trũng, cấy giống lúa dài ngày; Từ ngày 4/12, chị đã xuống giống. Thời điểm xuống giống trùng với đợt rét đậm, rét hại lại không phủ nilon nên mạ lên không đều, nhiều đám mạ bị bạch lá giai đoạn mạ và chết rét. Chị Mai cho biết: “Tính ra mỗi sào lúa nếu phủ nilon kinh phí sẽ đội lên 40.000 đồng. Do đó, để tiết kiệm chi phí nên gia đình không phủ nilon trên các luống mạ mà chỉ che chắn bên ngoài để phòng chuột”.

Vụ xuân năm nay, toàn xã Hưng Thịnh có đến 40/210 ha cơ cấu giống lúa dài ngày nên từ đầu tháng 12, bà con đã tiến hành gieo mạ. Ông Nguyễn Thúc Nghi - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh cho biết: “Do đặc thù của Hưng Thịnh là vùng trọt, điền sâu trũng chiếm đến 20% diện tích sản xuất lúa. Với những vùng này, nhằm tránh nguy cơ lũ, lụt nên bà con đưa vào trồng giống lúa dài ngày, gieo cấy sớm để nếu gặp thời tiết bất lợi, cây lúa chết thì còn có thể thay thế bằng giống lúa ngắn ngày. Vì giống lúa thuần, khả năng chống chịu rét tốt nên bà con không phủ ni-lon”.

Thời điểm này, ở một số xã như: Hưng Phúc, Hưng Nhân, Hưng Khánh, Hưng Phú… mạ cũng đã lên xanh ở nhiều vùng đồng và hầu hết không phủ nilon. Do đó, cây mạ sinh trưởng kém, gặp rét nên nhiều chân mạ chết khô, có nhiều đám bị bạch lá chiếm đến 70%.

Gieo mạ sớm, không tuân thủ lịch thời vụ, không chấp hành cơ cấu giống, chân mạ không phủ nilon dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo đánh giá từ Sở NN&PTNT, vụ xuân năm 2019, tại các địa phương có diện tích lúa gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ vào giai đoạn lúa trổ bị thoái hóa đầu bông, đen lép hạt, năng suất lúa của trà gieo cấy sớm giảm từ 500 kg - 1.400 kg/ha so với trà gieo cấy theo lịch thời vụ, tương đương giảm từ 3.000.000 – 8.400.000 đồng/ha. Ngoài ra, việc đưa vào cơ cấu các giống lúa dài ngày dẫn đến việc thu hoạch muộn, ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu, dễ gặp bão, lụt gây thiệt hại.
 
2
Cùng một loại giống, những trà mạ phủ nilon sinh trưởng, phát triển tốt, kháng sâu bệnh so với những trà mạ không được che phủ. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo: “Hiện trên địa bàn tỉnh có một số trà mạ gieo sớm, chủ yếu ở Hưng Nguyên khoảng 1,2 ha mạ và 30 ha gieo thẳng. Việc gieo mạ sớm vi phạm lịch thời vụ của tỉnh, đưa giống dài ngày vào sản xuất là không đúng cơ cấu của đề án sản xuất. Điều đó, dẫn đến nguy cơ lúa trổ sẽ gặp rét nàng Bân, năng suất giảm, thậm chí mất mùa. Đặc biệt, gần đây, khi không còn chính sách hỗ trợ nên nhiều nơi nông dân không áp dụng phủ nilon cho mạ sẽ bị chuột phá hoại, cây mạ bị lùn sọc đen, rầy lưng trắng… ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây lúa, giảm năng suất, giá trị sản xuất”.
 
Vụ xuân năm 2020, khung thời vụ bố trí 3 nhóm giống cơ bản sau: - Nhóm 1 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 140 - 145 ngày): Gieo mạ từ 08-13 tháng 01; cấy từ 28 - 31/01 (cấy từ mùng 4/1 ÂL). - Nhóm 2 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày): Gieo mạ từ 15 - 20/01; cấy từ 04 - 09/02. - Nhóm 3 (các giống có thời gian sinh trưởng xung quanh 125 ngày): Gieo mạ từ 20 - 25/01; cấy từ 09 - 14/02.

Thanh Phúc

Nguồn tin: baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm121
  • Hôm nay37,362
  • Tháng hiện tại71,427
  • Tổng lượt truy cập15,212,309
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây