Cách mạng tháng Tám năm 1945 và vai trò của giai cấp nông dân

Thứ tư - 19/08/2020 04:13
(Hội NDNA) - Trong những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử, nhân dân cả nước ta đang tưng bừng kỷ niệm lần thứ 75 Cách mạng Tháng 8–mở ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập tự do. Giai cấp nông dân là lực lượng to lớn góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả dân tộc .
Ngày 9/8/1945, sau khi chiến thắng hoàn toàn quân Đức, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tiến công quân Nhật. Trong vòng không đầy một tuần lễ, quân đội Liên Xô đánh tan gần một triệu quân Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện. Ở nước ta, Chính phủ Trần Trọng Kim cùng với các tay sai, bù nhìn của Nhật hoang mang tan rã. Trước tình hình khẩn trương đó, từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, tại Tân Trào diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi... quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành chính quyền độc lập”. Từ nhận định đó, Hội nghị đi đến quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật.
 
tuyen ngon doc lap
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu.

Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc thì Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ngay ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu của các giới, các đảng phái chính trị, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo trong nước và đại biểu kiều bào ở nước ngoài. Đại hội tán thành hoàn toàn chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, coi đó là chính sách cơ bản của cách mạng, cử ra ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội còn quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ, lấy bài Tiến quân ca làm Quốc ca. Đại hội quốc dân vừa bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.

Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên với tinh thần “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, quần chúng cách mạng đã nổi dậy giành chính quyền ở cấp xã và cấp huyện, rồi tiến lên giành chính quyền ở tỉnh. Ngày 18/8/1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước. Ngày 19/8, hàng vạn nông dân và dân nghèo thành thị tập hợp ở Láng, Mọc kéo ra Ngã Tư Sở, chiếm Đại lý Hoàng Long, trước khi kéo vào nội thành Hà Nội. Hàng vạn nông dân, thợ thủ công các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, thị xã Hà Đông, Gia Lâm mang theo gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm và một số súng... rầm rập kéo vào thành phố, tập trung ở quảng trường Nhà Hát lớn dự mít tinh. Cuộc mít tinh của gần 20 vạn mgười đã chuyển thành biểu tình vũ trang cùng với tự vệ chiến đấu, chia thành nhiều đoàn chiếm Phủ Khâm sai, Trại Bảo an binh, Sở Cảnh sát và các công sở của chính quyền cũ.

Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền và đồng loạt nổ ra mang tính dây chuyền, thành công nhanh chóng tại các tỉnh lỵ: Thanh Hóa, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Sơn Tây (ngày 20/8); Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận (ngày 21/8); Hải Phòng, Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Bạc Liêu (ngày 23/8); Sài Gòn giành thắng lợi (ngày 25/8). Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân đủ các tầng lớp ở thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam được hưởng tự do độc lập mà tự mình giành lại từ tay Nhật: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Từ đây dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc muôn triệu người như một, là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, của toàn thể dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự thể hiện tuyệt vời của tinh thần quật khởi và trí tuệ Việt Nam, điển hình của sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thể hiện trình độ khoa học và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp nông dân Nghệ An tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng và vai trò chủ thể của nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục có những bước phát triển mới về lượng và chất. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, cho địa phương, góp phần đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh nhà có bước phát triển toàn diện, liên tục với trình độ ngày càng cao, đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nhiều mô hình điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhiều hộ nông dân khắp các địa phương đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư tiền của, sức lao động, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh vươn lên làm giàu.

Với truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng; với trí thông minh, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất của giai cấp nông dân nói chung, nông dân Nghệ An nói riêng được tôi luyện và không ngừng lớn mạnh. Ở bất kỳ giai đoạn, thời điểm nào, nông dân luôn là lực lượng to lớn góp phần không nhỏ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nỗ lực cố gắng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. Xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển./.
 

Trà Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập520
  • Hôm nay8,768
  • Tháng hiện tại206,410
  • Tổng lượt truy cập14,860,304
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây