Diễn văn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2016 - 2020

Thứ bảy - 10/10/2020 10:11
(Hội NDNA) - Ngày 08/10/2020 Hội Nông dân tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, biểu dương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 - 2020. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài diễn văn do đồng chí Nguyễn Quang Tùng- Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đọc tại buổi lễ.
Kính thưa đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam!

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh!

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu!

Thưa hội viên, nông dân!


Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hôm nay, trong không khí náo nức chào sự kiện đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX chuẩn bị khai mạc, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam; biểu dương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016- 2020 để  khẳng định và  tự hào về truyền thống vẻ vang của Hội, từ đó động viên cán bộ, hội viên, nông dân nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong bước đường tiếp theo.

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các đồng chí!

Trong những năm đầu của thế kỷ 20, nhân dân ta phải chịu nhiều áp bức, bóc lột, đời sống nông dân vô cùng nghèo nàn và đau khổ. Nhưng chính từ trong nghèo nàn, đau khổ, chịu nhiều áp bức đó, nông dân Việt Nam đã  giác ngộ, ủng hộ, tham gia các phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Ngay ngày đầu thành lập, Đảng ta đã  xác định: ''Đảng phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''. Và ngày 14/10/1930, trong khí thế sục sôi của cao trào cách mạng 1930 -1931 với đỉnh cao là Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, nơi lực lượng nông dân đóng vai trò cực kỳ to lớn, Đảng chủ trương thành lập Tổng Nông hội Đông Dương, nay là Hội Nông dân Viết Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân. Từ đây, nông dân Việt Nam chính thức có tổ chức của mình và những trang sử mới của Hội và phong trào nông dân được viết nên đầy hào hùng và vẻ vang.

Giai đoạn 1930 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự tuyên truyền, vận động của tổ chức “Nông hội đỏ”( 1930); Nông hội (1937), Nông hội cứu quốc (1941), nông dân liên tục đấu tranh chống cướp ruộng đất, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh, chống thu thuế; biểu tình chống Nhật; vũ trang đánh Nhật , với các khẩu hiệu như “Chống nhổ lúa để trồng đay”, “Đoàn kết dân tộc, đánh đuổi Nhật - Pháp”, “Phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói”;… Hội đã lôi cuốn hàng triệu nông dân sục sôi vùng lên đấu tranh, góp sức to lớn tạo nên các cao trào cách mạng của nhân dân tiến tới làm nên Cách mạng tháng Tám vĩ đại, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đây là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.

Sau khi giành chính quyền, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau Hội nghị thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương năm 1949, phong trào nông dân đã có bước phát triển mới, toàn diện. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, thông qua các phong trào rộng khắp như “Phong trào thi đua ái quốc, sản xuất lập công đề cao chiến sỹ” ; xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”; “Bình dân học vụ”; “Phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc”  thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; các phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, “chắc tay súng, vững tay cày”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “ tất cả vì miền Nam ruột thịt”; phong trào đấu tranh chính trị, phong trào đồng khởi, tổ chức diệt ác, phá kìm, củng cố các chiến khu, mở rộng vùng giải phóng.. trong thời kỳ chống Mỹ xâm lược, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đóng góp sức người, sức của cùng quân và dân cả nước làm nên những chiến thắng lẫy lừng: đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp nông dân Việt Nam với nòng cốt là Hội Liên hiệp nông dân tập thể (giai đoạn 1979 - 1988), Hội Nông dân Việt Nam (giai đoạn 1988 đến nay), phong trào cách mạng của nông dân và Hội Nông dân có bước phát triển vượt bậc. Tổ chức hội đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; đồng hành hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hoá. Các phong trào: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh…đã kịp thời cổ vũ, động viên, tạo môi trường để nông dân hăng hái lao động sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy kinh tế, vươn lên làm giàu, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Thành tựu to lớn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước trong thàng chục năm qua có sự đóng góp quan trọng hàng đầu của nông dân và tổ chức Hội Nông dân.

Kính thưa các đồng chí, thưa toàn thể hội viên, nông dân!

Nghệ An, quê hương Xô viết công nông 1930; nơi khởi nguồn nhiều phong trào cách mạng của nhân dân ta từ ngày có Đảng và cũng là nơi thành lập tổ chức Nông hội đầu tiên của cả nước. Nông dân Nghệ An luôn ý thức trách nhiệm và tự hào về truyền thống,  cống hiến của mình trong sự nghiệp cách mạng của quê hương cũng như trong phong trào chung của nông dân Việt Nam suốt 90 năm qua.

Mãi còn đó hình ảnh hàng vạn nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Anh Sơn... sục sôi biểu tình, lật đổ chính quyền phản động của thực dân và phong kiến những năm 30 của Thế kỷ trước; hình ảnh hàng chục ngàn nông dân tòng quân, hàng vạn xe thồ, hàng trăm ngàn lượt nông dân Nghệ An tham gia dân công hoả tuyến,.. góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Còn đó những Truông Bồn, Cầu Cấm, Hoàng Mai ghi đậm chiến công, góp sức của nông dân Nghệ An. Rồi hàng trăm ngàn con em nông dân Nghệ An lên đường vào Nam đánh giặc, hàng triệu nông dân Nghệ An với sự tập hợp, tổ chức của Hội Nông dân đã xây nên hậu phương vững chắc, đóng góp  sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến để cùng với quân dân cả nước làm làm nên biết bao chiến công hiển hách, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, nông dân Nghệ An tiếp tục nỗ lực cống hiến, làm nên nhiều chiến công mới, những Vực Mấu, Vệ Vừng, Vách Bắc, Vách Nam, Sông Nghèn, Kẻ Gỗ và nhiều phong trào rộng lớn khác như khai hoang phục hoá, đào đắp kênh mương, làm đường giao thông, di dân, dời nhà, đi xây dựng các vùng kinh tế mới...

Kính thưa các đồng chí, Thưa các đại biểu!

Trong dòng chảy lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, trong truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân Việt Nam 90 năm qua có sự đóng góp miệt mài, xuất sắc của nông dân và tổ chức Hội Nông dân Nghệ An. Với những đóng góp xuất sắc đó, Hội Nông dân tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý.
Như là sự tiếp nối lịch sử đầy tự hào và kiêu hãnh của Hội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bước vào thờì kỳ lấy phát triển kinh tế, xã hội làm trung tâm, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động đã được nông dân Nghệ An hưởng ứng tích cực, tạo sự lan toả rộng khắp và thu được nhiều kết quả nổi bật.

Tính riêng giai đoạn 2016- 2020, bình quân mỗi năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp chiếm gần 60% so với số hộ nông dân; có gần 185 ngàn hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với hơn 1500 hộ đạt mức thu nhập 600 triệu đồng/năm, trong đó có trên 350 hộ đạt thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Lê Hội Hưng, phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, đánh bắt hải sản, dịch vụ nghề cá, doanh thu đạt từ 20 đến 25 tỷ đồng/năm; hộ gia đình anh Nguyễn Hồng Cương, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, nuôi tôm, doanh thu hàng năm đạt 40-60 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 6 -10 tỷ đồng/năm; hộ gia đình anh Phan Đình Đường, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, trồng, chế biến, xuất khẩu chè, doanh thu bình quân hàng năm đạt 20 tỷ đồng; hộ gia đình anh Phạm Công Hải, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, trồng cam, doanh thu 13,5 tỷ đồng/năm; hộ gia đình anh Lo Văn Dần người dân tộc Ơ đu, xã Nga My, huyện Tương Dương xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi tổng hợp, thu nhập đạt 810 triệu đồng/năm…

Đồng hành quá trình đó, bên cạnh việc tích cực tham mưu, kiến nghị đề xuất chủ trương chính sách, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo thêm điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất. 5 năm qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức được 1.096 lớp dạy nghề ngắn hạn; mở 5.450 lớp tập huấn chuyển giao KHKT; xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 66 tỷ đồng; nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH với dư nợ đạt 2.647 tỷ đồng, phối hợp cho nông dân vay từ Ngân hàng NN&PTNT dư nợ đạt 526,7 tỷ đồng, tín chấp cho nông dân mua trả chậm hơn 75.000 tấn phân bón các loại; chỉ đạo xây dựng trên 2000 mô hình kinh tế để nông dân học tập, làm theo.

Với sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm cao của hội viên, nông dân và tổ chức hội, sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, mặc dù đang còn những khó khăn, hạn chế, nhưng chúng ta vui mừng khẳng định rằng, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân Nghệ An đã thực sự trở thành phong trào lớn, hiệu quả, khơi dậy ý chí quyết tâm không chịu đói nghèo, khát vọng vươn lên làm giàu, xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý thức trách nhiệm cộng đồng của hội viên nông dân, đóng góp tích cực vào thành tích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Nhân dịp này Hội Nông dân tỉnh xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc tỉnh, các ngành các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện cho tổ chức Hội và phong trào nông dân phát triển, trưởng thành; trân trọng cảm ơn các thế hệ cán bộ hội qua các thời kỳ đã tận tâm, tận lực cống hiến để tổ chức Hội có được sự lớn mạnh như ngày hôm nay.

Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các đồng chí, Thưa toàn thể hội viên!                                        

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đặc biệt quan tâm, chăm lo  nông nghiệp, nông dân và tổ chức Hội Nông dân. Con đường đi đến hạnh phúc ấm no của người nông dân luôn có Bác đồng hành. Bác dặn: “Nông vận là: Tổ chức nông dân thật chặt chẽ; đoàn kết nông dân thật khăng khít, huấn luyện nông dân thật giác ngộ; lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc".

Biết ơn Bác, làm theo lời Bác, cán bộ, hội viên, nông dân trên quê hương của Người quyết tâm đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh, để đảm đương vai trò nòng cốt, dẫn dắt phong trào nông dân; đổi mới hình thức tuyên truyền vận động, đa dạng hoá hình thức tập hợp nông dân; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, kiến thức hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội  trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, góp phần cùng Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, sớm xây dựng Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước như lời Bác hằng mong.

 Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ các đồng chí, đại biểu khách quý và toàn thể hội viên!

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập173
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm170
  • Hôm nay37,362
  • Tháng hiện tại72,724
  • Tổng lượt truy cập15,213,606
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây