Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ đồng bào miền núi phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai - 23/11/2020 02:51
(Hội NDNA) - Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiều giải pháp, nhiều mô hình nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên nông dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đầu năm 2019, gia đình ông Vừa Tòng Pó, ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ phát triển chăn nuôi giống gà đen địa phương. Trên cơ sở đó Hội Nông dân huyện, xã trực tiếp cùng ông Vừa Tòng Pó lựa chọn mua con gà bố mẹ địa phương để hỗ trợ nuôi gắn với định hướng mua lò ấp gà con, tạo giống để Hội Nông dân hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn. Từ 100 gà giống bố mẹ được hỗ trợ đó, sau hơn 4 tháng, gia đình đình ông Vừa Tòng Pó đã tạo đàn để Hội Nông dân có nguồn gà con để hỗ trợ tiếp cho 2 hộ nghèo trong xã, gồm gia đình ông Lầu Bá Tu và ông Lầu Bá Xềnh, mỗi hộ là 350 gà con và gia đình ông Vừa Tòng Pó cũng được hỗ trợ thêm 350 con gà con để phát triển đàn. Từ mô hình vừa chăn nuôi, vừa ấp gà con của gia đình ông Vừa Tòng Pó được ông Lầu Bá Tu áp dụng. Ông Lang Thanh Lương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, chia sẻ: Từ sự hỗ trợ ban đầu về giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng dịch, kể cả việc giám sát thường xuyên của Hội Nông dân huyện và xã đối với 3 gia đình được hỗ trợ gà, đến nay không chỉ 3 hộ duy trì, phát triển đàn vật nuôi mà còn lan tỏa đến nhiều hộ dân trong xã và một số xã trên địa bàn huyện nuôi. Riêng địa bàn xã Mường Lống, vốn chỉ mang tính chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, nay có khoảng 15% hộ dân chăn nuôi từ quy mô 100 con trở lên.
 
mo hinh nuoi ga den o muong long ky son 1
Mô hình nuôi gà đen bản địa ở Mường Lống (Kỳ Sơn)

Khác với các hộ dân ở xã Mường Lống được hỗ trợ cho không thì ở xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), Hội Nông dân tỉnh chỉ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê sinh sản. Theo đó, từ 20 hộ được hỗ trợ vốn vay để nuôi dê qua 2 đợt vào năm 2015 và 2018, đến nay, theo Bí thư Đảng ủy xã Võ Đình Thành, toàn xã có hơn 50 hộ nuôi dê với tổng đàn hơn 700 con. Điển hình như gia đình Vi Văn Hai, bản Kẻ Gia nuôi 40 con; hay hộ bà Nguyễn Thị Mùi, bản Khe Đóng nuôi 30 con; hộ ông Mặc Văn Tuyến, bản Khe Đóng nuôi 20 con dê. Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn, từ hiệu quả và trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân, nên dê là 1 trong 6 con nuôi chủ lực được địa phương xác định tập trung chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới. Do điều kiện khí hậu nơi đây phù hợp với sự sinh trưởng và chất lượng thịt ngon, nên sản phẩ dê Thạch Ngàn bán giá cao hơn so với nơi khác và thị trường không chỉ trong tỉnh mà vươn tận tỉnh Ninh Bình. 
 
mo hinh nuo de sinh san 2 1
Mô hình nuôi dê sinh sản 

Theo chia sẻ của ông Trần Văn Hường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Mô hình gà đen tại Mường Lống và dê sinh sản tại Thạch Ngàn là 2 trong nhiều mô hình được Hội Nông dân tỉnh cùng với Hội Nông dân các cấp triển khai chỉ đạo trên địa bàn tỉnh thông qua nguồn ngân sách của tỉnh cấp qua Quỹ hỗ trợ nông dân (bình quân mỗi năm 2,5 tỷ đồng) và nguồn từ chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Hội Nông dân tỉnh (bình quân mỗi năm 550 – 600 triệu đồng). Đặc biệt từ năm 2017, Hội Nông dân tỉnh chuyển hướng ưu tiên hỗ trợ vốn vay và đầu tư xây dựng mô hình cho địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 2/3 tổng nguồn của mỗi chương trình. Và để nguồn vốn các chương trình phát huy hiệu quả, ở mỗi chương trình, Hội Nông dân tỉnh có một cách làm riêng.

Ví như chương trình hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển kinh tế từ Quỹ hỗ trợ nông dân được Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện, xã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn gia đình được hỗ trợ cho vay phải đảm bảo các điều kiện là sức lao động, có ý chí vươn lên làm giàu và có sự hiểu biết nhất định để tham gia các các lớp tập huấn kỹ thuật và tiếp thu sự hướng dẫn của cán bộ Hội; đồng thời phải thực hiện phát triển cây, con theo định hướng của địa phương. Khi đảm bảo đầy đủ các yếu tố đó thì điều kiện ưu tiên trước hết là hộ nghèo và họ cận nghèo. Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các xã chịu trách nhiệm chỉ đạo và Hội Nông dân có trách nhiệm theo dõi, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về kiến thức kỹ thuật.
 
lon den 1
Mô hình nuôi lợn đen

Còn nguồn từ chương trình phối hợp của UBND tỉnh được Hội Nông dân tỉnh trực tiếp triển khai xây dựng các mô hình, bình quân 5 mô hình/năm. Do được hỗ trợ cho không để làm mô hình, cho nên ngoài tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng được hỗ trợ như chương trình hỗ trợ cho vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân thì các hộ được chọn hỗ trợ xây dựng mô hình phải cam kết với Hội Nông dân các cấp là phải quy trì mô hình trong 3 năm và khi thành công thì phải có trách nhiệm hỗ trợ cho cho các hộ dân ở địa phương cùng triển khai, tạo phong trào và sức lan tỏa của mô hình.
Bằng cách làm nêu trên, hiện nay ở nhiều địa phương thuộc địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều mô hình vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình được thụ hưởng, vừa tạo ra phong trào phát triển chăn nuôi ở các địa phương. Đó là mô hình nuôi bò sinh sản ở xã Tà Cạ (Kỳ Sơn); nuôi dê sinh sản ở xã Tri Lễ và xã Châu Thôn (Quế Phong); nuôi gà ở xã Châu Hội (Quỳ Châu) và huyện Nghĩa Đàn… Ngoài ra, thông qua nguồn huy động đóng góp từ cán bộ, nhân viên Hội Nông dân và các nhà hảo tâm, Hội Nông dân cũng đã triển khai mô hình hỗ trợ 10 con bò cho 10 hộ nghèo ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) trong thời gian 3 năm Hội sẽ rút lại con bê gốc để hỗ trợ cho hộ nghèo khác trong xã và khi tất cả các hộ nghèo Nậm Cắn đã phủ kín sự hỗ trợ bê thì sẽ chuyển sang địa phương khác. Đây cũng là mô hình đem lại hiệu quả.
 
hoi nong dan tinh ho tro bo cho cac ho nong dan ngheo xa nam can huyen ky son1
Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ bò cho các hộ nông dân nghèo xã Nậm Cắn huyện Kỳ Sơn

Cùng với các chương trình nêu trên, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đề án xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn đen địa phương để cung cấp con giống cho bà con vùng biên giới. Đến thời điểm này, sau 3 năm xây dựng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng được 20 cơ sở tại 20 đồn Biên phòng; trong đó có 13 cơ sở đã triển khai nuôi lợn bố mẹ và cung cấp giống cho hơn 450 hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài việc cấp giống, cán bộ, chiến sỹ ở các đồn Biên Phòng còn được phân công phụ trách từng hộ để hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi, để đảm bảo lợn được cấp phát triển. Mỗi hộ được cấp một lần, bình quân 3 - 5con/hộ; sau đó các hộ muốn duy trì và phát triển chăn nuôi thì tiếp tục được đồn Biên phòng cung cấp giống theo hình thức mua bán, tuy nhiên giá chỉ khoảng 50 – 70% giá thị trường. Thông qua triển khai đề án này, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Hường cho rằng, thời gian tới, Hội sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để triển khai các mô hình phát triển kinh tế, phấn đấu có 2/3 mô hình mà Hội triển khai ở địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do Bộ đội Biên phòng trực tiếp triển khai thực hiện, đảm bảo các mô hình triển khai phát triển chắc chắn và bền vững hơn.

Mai Hoa

Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập515
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm513
  • Hôm nay7,474
  • Tháng hiện tại205,116
  • Tổng lượt truy cập14,859,010
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây