Phòng trừ bệnh đạo ôn bảo vệ lúa vụ xuân 2022

Thứ năm - 10/03/2022 05:02
(Hội NDNA) - Để giúp bà con nông dân hiểu và chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa vụ xuân 2022, chúng tôi giới thiệu về một số đặc điểm gây hại của bệnh ở điều kiện Nghệ An và biện pháp phòng trừ để bà con áp dụng.
1. Triệu chính gây hại

- Bệnh đạo ôn lá: Bệnh gây hại ở giai đoạn mạ, lúa đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng. Lúc đầu vết bệnh chỉ nhỏ như đầu mũi kim, màu xám xanh giống như bị nước sôi, sau chuyển sang màu nâu, rồi lan rộng dần ra thành hình thoi, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng. Nếu bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành mảng lớn, có thể làm lá bị khô cháy, cây lúa lụi tàn, làm giảm năng xuất nghiêm trọng.
 
benh
Vết bệnh mới
- Bệnh đạo ôn cổ bông: Các vị trí khác nhau của bông lúa đều có thể bị bệnh, vết bệnh màu nâu xám hơi teo thắt lại. Vết bệnh trên cổ bông xuất hiện sớm làm bông lúa bị lép trắng hoàn toàn. Nếu bệnh xuất hiện muộn khi hạt đã vào chắc sẽ gây hiện tượng gẫy cổ bông làm các hạt bị lép lửng. Bệnh có thể hại trên các nhánh gié lúa, làm các hạt trên gié lúa bị lép lửng, giảm năng xuất từ 20-50%. Vết bệnh ở hạt không định hình, có màu nâu xám hoặc nâu đen. Nấm ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn bệnh truyền từ vụ này sang vụ khác.

2. Đặc điểm gây hại

- Bệnh đạo ôn hại lá: Bệnh có thể phát sinh gây hại ngay trên ruộng mạ trong tháng 01, đặc biệt trên các giống dễ nhiễm bệnh như: X33, P6, Vật tư NA6, AC5, TBR 225, BC15, Nếp 352, ...Đây là nguồn bệnh đầu vụ theo mạ lây lan ra ruộng cấy.
 
ruong bi benh nang
Vết bệnh nặng
Trên ruộng cấy bệnh thường phát sinh từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 trở đi. Bệnh gây hại mạnh ở thời kỳ lúa con gái (cao điểm trong tháng 3). Nếu gặp thời tiết âm u, mư­a phùn kéo dài là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển lây lan mạnh trên diện rộng, đặc biệt những vùng đất pha cát, thâm canh còn thấp, bón quá thừa đạm, sử dụng giống nhiễm,...

- Bệnh đạo ôn cổ bông: Bệnh thường gây hại từ đầu tháng 4 trở đi (cao điểm 05/4 - 20/4). Vào giai đoạn lúa ôm đòng cho đến trỗ nếu gặp thời tiết thuận lợi (trời mưa kéo dài, ẩm độ cao, s­ương mù nhiều,…) bón thúc đòng bằng đạm hoá học là những điều kiện làm cho bệnh gây hại nặng. Bệnh cũng thường gây hại trên các ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn lá nặng, vùng ruộng gần đồi núi các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn,…Đặc biệt các giống dễ nhiễm như nêu trên.

3. Biện pháp phòng trừ

 - Để hạn chế bệnh bà con nông dân nên gieo cấy đúng lịch thời vụ (theo đề án của Sở NN&PTNT và của các địa phương), đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng cấy lúa theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI), ba giảm ba tăng (ICM),…Bón phân cân đối hợp lý tập trung vào đầu vụ, không bón thúc đạm hoá học lai rai vào cuối vụ.
 
man tinh
Vết bệnh mãn tính
- Th­ường xuyên kiểm tra đồng ruộng ngay từ trên ruộng mạ, trong trư­ờng hợp ruộng mạ bị bệnh nặng thì dứt khoát không dùng để cấy, ruộng bị bệnh nhẹ phải xử lý thuốc đặc hiệu trước khi cấy 5 –7 ngày.

- Thời kỳ đạo ôn lá: Thường xuyên kiểm tra ruộng, đặc biệt trên các ruộng giống dễ nhiễm bênh, ruộng ở vùng vụ trước bị bệnh nặng, khi phát hiện lúa có chớm bệnh thì tạm ngừng bón thúc đạm hoá học, luôn giữ đủ nước trên ruộng, vãi vôi bột vào buổi sáng cho vôi bám vào lá lúa, theo dõi tiếp nếu bệnh ngừng thì không phải phun thuốc, nếu bệnh tiếp tục phát triển (thời tiết thuận lợi) có từ 3-5% lá lúa có vết bệnh mới thì phun ngay bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất sau: Tricyclazole, Isoprothiolane, Propiconazole, Fenoxanil, Tebuconazole,…(Beam 75WP, Flash 75Wp,  Filia 525SE, Fuji – One 40EC, Katana 20SC, Vista 72.5WP,...)theo liều khuyến cáo, ruộng bị nặng có thể phun hai lần cách nhau 5-7 ngày.
- Đối với đạo ôn cổ bông: Thời kỳ lúa ôm đòng- trổ cần theo dõi thời tiết chặt chẽ. Trong điều kiện gặp nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, sáng sớm có nhiều s­ương mù,…cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu (như­ ở phần đạo ôn lá) trước và sau trổ 7 ngày với liều lượng thuốc cao hơn phần đạo ôn lá từ 10 -20%.


Chú ý:

- Trong thời kỳ lúa bị bệnh tuyệt đối không được bón thêm đạm hóa học hoặc phun thêm phân bón lá, kích thích sinh trưởng.
- Các loại thuốc dạng bột cần hòa thuốc tan trước vào dụng cụ riêng sau đó cho vào bình phun rồi cho thêm đủ nước theo quy định khuấy đều phun ngay.
- Không hỗn hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc, không hỗn hợp với phân bón lá.  
- Không phun khi trời mưa, trên lá lúa còn giọt sương sẽ giảm hiệu lực của thuốc.
- Khi phun phải đủ lượng nước tối thiểu 20-30lit/sào 500m2 và phải phun ướt đều toàn bộ lá lúa.
- Phun xong sau 3-5 ngày kiểm tra nếu thất vết bệnh mới (cấp tính) còn phát triển thì phải phun lại lần 2 (lần phun này có thể thay loại thuốc có hoạt chất khác với thuốc đã phun trước).  

Nguyễn Đình Hương

(Chi cục trồng trọt &BVTV Nghệ An)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay21,435
  • Tháng hiện tại472,317
  • Tổng lượt truy cập15,613,199
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây