Nông dân Nam Anh (Nam Đàn): Làm giàu từ trồng cây mít Thái

Thứ năm - 07/05/2020 03:40
(Hội NDNA) - Trong những năm gần đây, nhiều hộ nông dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất vườn đồi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Một trong những cây ăn quả mang lại thu nhập cao và được thị trường ưa chuộng hiện nay đó là cây mít Thái. Với lợi thế có đất vườn đồi rộng một số hộ nông dân ở xã Nam Anh đã giàu lên nhờ trồng loại cây ăn quả dễ tính này.
mit thai nam dan
Mít thái của gia đình anh Chiến cho quả quanh năm
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn mít Thái xanh ngắt lủng lỉu quả, anh Nguyễn Văn Chiến ở xóm 8 xã Nam Anh tâm sự: Trên vùng đất này trước đây nhà tôi trồng chủ yếu cây sắn và ngô nhưng cho hiệu quả thấp, kinh tế khó khăn nên tôi phải đi làm thuê trong Tây Nguyên, qua 1 thời gian tôi thấy cây mít Thái khá dễ trồng lại cho thu nhập cao nên nung nấu ý định đưa loại cây ăn quả này về trồng ở mảnh đất của mình. Vốn là người nông dân nhạy bén, anh vừa làm thuê vừa học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng Mít Thái. Khi nắm được kiến thức trồng và chăm sóc, vợ chồng anh cải tạo mảnh đất đồi khô cằn, mua hơn 300 cây mít Thái về trồng. Nhiều người nói anh “gàn dở”, “chở củi về rừng” bởi ở vùng đất đồi xã Nam Anh từ lâu có nhiều mít rồi, giờ lại mua mít về trồng. Cũng có người bảo cây Mít Thái sẽ không sống được ở vùng đất đồi như thế này.

Những lời dị nghị không làm anh Chiến nản chí, với quyết tâm và những kinh nghiệm chăm sóc cây mít Thái học hỏi được qua thực tế và trong sách báo. Anh Nguyễn Văn Chiến đã chứng minh giống mít Thái thích ứng rất tốt với vùng đất ở đây và sinh trưởng phát triển rất nhanh. Qua 3 năm trồng cây mít Thái đã bắt đầu cho thu hoạch. Tính đến nay vườn Mít Thái nhà anh Chiến đã được 7 năm tuổi và đang phát triển rất tốt. Quả mít Thái đang được nhiều người ưa chuộng bởi múi giòn, ráo, vị ngọt đậm và thơm mát và đặc biệt an toàn, không lo ngại về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán mỗi năm gia đình anh Chiến thu được hơn 300 triệu đồng tiền bán mít. Cứ vào vụ mít sắp chín vườn của gia đình anh Chiến luôn tấp nập người vào ra mua mít ăn và làm quà biếu, không đủ cung cấp cho thị trường. Theo anh chia sẻ, cây Mít Thái cực kỳ dễ tính, kỹ thuật trồng khá đơn giản, không tốn công chăm sóc, ít khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cao, cho trái quanh năm. Kinh nghiệm của gia đình anh trong quá trình chăm sóc, mỗi cây mít anh chỉ để 4-5 quả, còn lại tỉa bỏ khi còn nhỏ, để tập trung dinh dưỡng nuôi quả to, đạt chất lượng. Cộng với việc bón phân chăm sóc tốt nên vườn mít của gia đình anh có quả quanh năm, múi to, ngọt đậm bán rất được giá. Nếu để quá nhiều quả/cây sẽ hại sức cây làm cho quả nhỏ, chất lượng kém và cây sẽ chậm ra lứa khác. Ngoài ra, thường xuyên tỉa cành, tỉa lá cho mít thông thoáng tránh bị lây nhiễm nấm bệnh.

Tưởng rằng giống mít Thái chỉ thích hợp trồng trong Miền Nam nhưng qua 7 năm trồng tại xã Nam Anh cho thấy sinh trưởng phát triển tốt và đạt chất lượng cao không thua kém những nơi khác. Ông Hồ Viết Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh cho biết: “Anh Chiến là một trong những hộ nông dân tiên phong trồng mít Thái của địa phương và cho thấy hiệu quả kinh tế cao rõ rệt. Từ một gia đình kinh tế khó khăn, nhờ cây mít Thái mà gia đình anh đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Thấy được hiệu quả nên 4 năm trở lại đây tại địa bàn xã đã có một số hộ nông dân học hỏi gia đình anh Chiến và đưa cây mít Thái về trồng hiện đang cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao".

Thực tế cho thấy nếu người nông dân ham học hỏi, nhạy bén cộng thêm mạnh dạn dám nghĩ dám làm thì vươn lên giàu trên chính mảnh đất của mình là không khó. Tin tưởng rằng trồng mít Thái sẽ là một giải pháp thay thế những cây trồng kém hiệu quả trên những vùng đất vườn đồi cho bà con nông dân.

Hồ Hòa (Hội ND huyện Nam Đàn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập101
  • Hôm nay6,906
  • Tháng hiện tại204,548
  • Tổng lượt truy cập14,858,442
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây