Bảo Nam là xã miền núi đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 17 km, địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt bởi các khe suối, khó khăn trong việc bố trí cơ cấu sản xuất. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm lúa rẫy, kết hợp trồng ngô, sắn, khoai sọ và chăn nuôi. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 6.035,53 ha, có 758 hộ với 4.140 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo 501 hộ, chiếm tỷ lệ 69,87%, hộ cận nghèo 150 hộ chiếm tỷ lệ 20,92%; có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm Khơ Mú, Thái và Kinh.
Hội Nông dân xã có 502 hội viên nông dân sinh hoạt tại 10 chi hội, trong đó có 99,6% hội viên là dân tộc Khơ Mú và Thái còn lại 0,4% hội viên là dân tộc Kinh; có 57 hội viên là đảng viên Đảng CSVN (bằng 11,4% tổng số hội viên).
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Tín dụng chính sách xã hội”, bám sát các văn bản chỉ đạo của tổ chức Hội cấp trên, của Ngân hàng CSXH huyện, chủ trương của đảng ủy xã, Ban giảm nghèo xã, Ban thường vụ hội nông dân xã đã phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bình xét, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, giúp các hộ gia đình hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tính đến ngày 06/02/2025, toàn xã có 6 Tổ TK&VV do Hội Nông dân quản lý với tổng dư nợ 12 tỷ, 440 triệu 900.000 đồng. Có 249 hộ vay vốn theo 10 chương trình vay vốn (chủ yếu là chương trình cho vay hộ nghèo chăn nuôi bò sinh sản), doanh số vận động gửi tiền tiết kiệm: 588.995.395đ , đạt 100%/KH. Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng của các ban, ngành đoàn thể xã và sự đoàn kết cộng sự của ban thường vụ, ban chấp hành hội nông dân xã, trong năm 2024, Hội Nông dân xã Bảo Nam đã gặt hái được nhiều kết quả đáng kể trong hoạt động nhận ủy thác ngân hàng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
![z6296143998365 c862cc66e845bdb3dd04cdf922810ac8](/uploads/news/2025_02/z6296143998365_c862cc66e845bdb3dd04cdf922810ac8.jpg)
Nhờ nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp các hộ hội viên có vốn làm ăn, tạo việc làm, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, điển hình có hộ anh Lương Văn Khánh bản Nam Tiến 2 có 20 con bò, hộ anh Vi Văn Long Bản Hín Pèn có 15 con bò, 01 quán tạp hóa, hộ anh Chích Văn Liên bản Lưu Tân có 14 con trâu, bò, 01 quán tạp hóa, … đưa tổng số hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp là 17 hộ, tăng 3 hộ so với năm 2023.
Hội Nông dân xã ra mắt được 02 mô hình Tổ TK&VV vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng tại bản Lưu Tân và bản Hín Pèn (đạt 200% kế hoạch được giao) với 98 thành viên tham gia. Hoạt động các phong trào thi đua yêu nước được các thành viên tích cực, hưởng ứng tham gia như: Phong trào xây dựng các mô hình chăn nuôi trâu, bò, phong trào vệ sinh môi trường đường làng xanh – sạch – đẹp, an toàn; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Trong năm ban thường vụ hội xã phối hợp với ngân hàng CSXH huyện đã xử lý thành công các món nợ xấu với 170 triệu đồng/6 hộ, trong đó có 3 món vay đi XKLĐ bị lừa đảo từ những năm 2008. Không có nợ quá hạn.
Với những kết qủa đạt được, 6/6 tổ TK&VV do Hội Nông dân quản lý đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vu, tập thể Hội Nông dân xã Bảo Nam được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen cho với thành tích đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động Tín dụng Chính sách; được Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
![z6301189860476 51c7547f5e0edf48d41c1b0a4240d3ce](/uploads/news/2025_02/z6301189860476_51c7547f5e0edf48d41c1b0a4240d3ce.jpg)
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, giúp nhiều hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương, đồng thời xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, ban thường vụ hội nông dân xã tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể: tích cực tuyên truyền và hướng dẫn chủ trương chính sách các chương trình vay vốn đến với tổ viên, hộ vay nhằm giúp hội viên hiểu về điều kiện, mục đích, đối tượng, mức vay, lãi suất, mục đích tham gia gửi tiền tiết kiệm; vận động các thành viên thực hiện việc gửi tiết kiệm qua tổ theo quy định đạt kế hoạch được giao; nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, quan tâm đối với các tổ TK&VV theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng; sắp xếp lưu giữ hồ sơ pháp lý theo quy định; khắc phục những tồn tại, hạn chế sau khi hội cấp trên đã chỉ ra sau đợt kiểm tra cuối năm 2024./.