Tân Kỳ: Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tạo động lực giúp nông dân làm giàu

Thứ sáu - 13/03/2020 04:09
(Hội NDNA) - Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của các cấp hội nông dân huyện Tân Kỳ đã phát triển sâu rộng và nâng cao cả về chất lượng, từ đó khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu của cán bộ hội viên, góp phần quan trọng xây dựng quê hương phát triển toàn diện.
xuong che bien lam san cua anh thang tao viec lam cho 15 lao dong dia phuong
Xưởng chế biến lâm sản của anh Thắng tạo việc làm cho 15 lao động địa phương
Trong số 6.583 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ở huyện Tân Kỳ phải kể đến anh Nguyễn Thanh Thắng ở xóm Xuân Lý xã Tân Phú. Bằng sự miệt mài lao động sáng tạo, giờ đây anh Thắng đã là ông chủ trẻ của công ty TNHH chế biến lâm sản Thắng Hà. Hàng ngày, công ty tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi người từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Cùng với cơ sở chế biến lâm sản, phát huy lợi thế có quỹ đất rộng, gia đình anh Thắng đã cải tạo đầu tư trồng 3 ha cao su, 5 ha keo nguyên liệu và hơn 1 ha cam hàng hóa. Hiện nay, cao su đã đến kỳ khai thác năm thứ 3 và diện tích cam đã cho thu hoạch năm thứ hai. Từ mô hình kinh tế tổng hợp này đã đem lại nguồn lãi ròng cho gia đình mỗi năm 1,2 tỷ đồng. Anh Nguyễn Thanh Thắng chia sẻ: “Ở huyện Tân Kỳ quỹ đất còn nhiều nên gia đình kết hợp vừa trồng rừng vừa mở xưởng chế biến lâm sản để tăng thêm thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho người dân trong xã. Thứ hai nữa là đất ở đây rất màu mỡ phù hợp với cây Cam nên gia đình đã đầu tư trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu khả quan cho gia đình”.

Khác với anh Thắng, đối với ông Cao Tiến Hùng ở xóm Đồng Nậy xã Kỳ Sơn lại lập nghiệp bằng phát triển kinh tế rừng. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông đã miệt mài lao động, cải tạo 42 ha đồi trọc trồng keo nguyên liệu. Để thuận lợi trong khâu chăm sóc, thu hoạch, ông Hùng đã khoanh vùng trồng gối vụ, có cả diện tích 2, 3 năm tuổi đến 5 năm tuổi, qua thu hoạch mỗi ha đạt giá trị kinh tế từ 70 đến 100 triệu đồng. Cùng với trồng keo, ông Hùng đã cải tạo đất trồng các loại cây ăn quả, đào ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp đem lại cho gia đình ông nguồn lãi ròng 250 triệu đồng. Ông Cao Tiến Hùng cho biết: "Làm rừng rất hiệu quả, bởi công đầu tư ít hơn bởi chỉ mất công trồng, chăm sóc năm đầu với năm thứ 2 là chờ đến 5 năm thu hoạch. Gia đình làm mô hình tổng hợp để lấy ngắn nuôi dài, các cây ngắn ngày để trang trải cuộc sống, còn cây keo thì để tiết kiêm cho gia đình, mức thu nhập bình quân mỗi năm được vài trăm triệu".
anh cao tien hung cung doan cong tac hoi ccb huyen tai vuon cay an qua
Anh Cao Tiến Hùng cùng đoàn công tác Hội CCB huyện tại vườn cây ăn quả
Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn hộ nông dân huyện Tân Kỳ biết vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mãnh đất quê hương. Đến nay toàn huyện có 6.583 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 72 hộ đạt cấp Trung ương, 659 hộ đạt cấp tỉnh, 1.247 hộ đạt cấp huyện 4.426 hộ đạt cấp cơ sở. Các địa phương có số hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cao như xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Nghĩa Hành, Nghĩa Thái.
          
Để đạt được kết quả đó, những năm qua, các cấp hội nông dân huyện Tân Kỳ đã chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng phong trào thi đua, bám sát chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Năm 2019, Hội đã phối hợp tổ chức 65 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 3
.250 hội viên, phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn, ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân nhận ủy thác và tín chấp cho hội viên, nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, riêng tại Ngân hàng chính sách huyện đến nay đã có 3.456 hộ vay với tổng nguồn vốn 117 tỷ 950 triệu đồng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, hợp tác giữa các hộ vay.


Ông Thái Khắc Ngọc-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ cho biết: “Hàng năm huyện phát động phong trào đến từng gia đình, từng địa phương. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên mọi người dân hiểu được cùng đồng thuận, nhất là các cơ chế chính sách của Đảng, nhà nước nên tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển. Huyện đặc biệt quan trọng nhất là nhân rộng các mô hình hiệu quả, biểu dương khen thưởng kịp thời”.

Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ hội viên nông dân, tạo sự khởi sắc tại mỗi vùng quê. Bởi vậy huyện Tân Kỳ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào nhằm giúp hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, xứng đáng là những nông dân năng động của thời kỳ hội nhập, thực sự là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại mỗi bản làng, khối xóm.

 Cẩm Tú-Trung tâm-VHTT&TT Tân Kỳ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập361
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm359
  • Hôm nay7,171
  • Tháng hiện tại204,813
  • Tổng lượt truy cập14,858,707
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây