Đến với miền quê cát Diễn Tháp, huyện Diễn Châu ngày hôm nay, chúng ta được ngắm nhìn một làng quê trù phú, bình yên, được nhân dân khắp nơi trìu mến gọi với cái tên “Phố trong làng”. Diễn Tháp ngày nay kinh tế phát triển ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Có được bộ mặt nông thôn như ngày hôm nay chính là nhờ sự năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường, giám nghĩ giám làm của người dân, phát triển kinh tế đa dạng nhiều ngành nghề như dịch vụ thương mại, xuất khẩu lao động, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, …
Mô hình chăn nuôi kết hợp trên cánh đồng chiêm trũng của gia đình Anh Huyên, xóm 6 xã Diễn Tháp
Ở xã Diễn Tháp bởi người dân nơi đây chủ yếu tập trung vào phát triển thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động. Ngoài sản xuất lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp trên địa bàn xã tập trung ở các hộ làm mô hình trang trại, gia trại vùng đồng Chiêm Trũng và đông làng. Trong đó, vùng đồng Chiêm Trũng (đồng Tháng Năm) thu hút nhiều hộ tham gia và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn xã. Đồng Chiêm Trũng nằm ở xóm 6, trước đây là khu vực sâu sục lầy lội, có bờ vùng không có bờ thửa, là diện tích đất lúa giao cho dân theo Nghị định 64, sản xuất gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, khu vực này được quy hoạch lại và giao khoán cho các hộ dân đầu tư xây dựng trang trại, gia trại.
Ngày nay, không còn vùng đồng Chiêm Trũng sâu sục lầy lội mà thay vào đó là các mô hình trang trại chăn nuôi, ao nuôi và trồng cây ăn quả phát triển ổn định, tạo cảnh quan sinh thái trong lành, phát huy giá trị vùng đất đồng Tháng Năm.
Những hộ nông dân đầu tiên đã bằng bàn tay, khối óc, những giọt mồ hôi để tạo nên vùng chiêm trũng trù phú như ngày hôm nay như: hộ gia đình anh Huyên chị Hà, gia đình ông Tuấn bà Thung, gia đình ông Chỉnh bà Liên, … góp sức lớn vào công cuộc xây dựng phát triển xã Diễn Tháp giàu mạnh. Đây là những hội viên ưu tú, tích cực của Hội Nông dân Diễn Tháp; đã dày công gắn bó, xây dựng và phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương mình.
Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp trên vùng Chiêm Trũng gặp không ít gian nan, thử thách bởi đây là khu vực sâu trũng, là điểm thoát nước cuối nguồn toàn bộ khu vực dân cư và cánh đồng tây làng xóm 5, xóm 6 cũng như khu vực liền kề của xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Những trận mưa lớn, nước dồn về nhanh, chuồng trại và kho thức ăn chăn nuôi bị ngập, nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi rất cao. Bệnh tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi của các hộ. Tuy nhiên, với tinh thần kiên cường và đức tính siêng năng cần cù, ham học hỏi, bám chuồng bám trại, đến nay các mô hình ở vùng Chiêm Trũng đã phát triển ổn định. Sản phẩm tạo ra từ các mô hình đa dạng bao gồm lợn thịt, dê, cá ao các loại, trứng vịt, ốc bươu, bưởi, mít thái, na thái, chuối, ổi … và cho thu nhập khá. Đặc biệt là trang trại lợn của anh Huyên chị Hà. Xuất thân cựu sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I, chuyên ngành thú y, sau khi lăn lội thương trường với các ngành nghề khác nhau, anh Huyên đã quyết định phát triển ngay trên chính quê hương mình, sử dụng từ những kiến thức đã được học trên giảng đường đại học để gây dựng trại lợn quy mô như ngày hôm nay. Tổng đàn lợn gia đình anh có trên 1.100 con trong đó 600 lợn thịt, 120 lợn nái, 250 lợn cai nhỏ, 200 lợn theo mẹ và 01 con đực giống. Việc chăn nuôi được áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, tiêm phòng đầy đủ đảm bảo an toàn cho đàn lợn.
Phát triển kinh tế trang trại ngay trên quê hương mình không chỉ giải quyết vấn đề bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động, đặc biệt phát triển kinh tế gia đình bền vững mà còn tạo cảnh quan môi trường trong lành. Hy vọng trong tương lai Đảng và Nhà nước ta sẽ có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các trang trại, gia trại phát huy tối đa nội lực để tiếp tục đầu tư phát triển bền vững ngay trên chính quê hương mình.