Phòng bệnh tốt sẽ ngăn ngừa được bệnh dịch tả lợn châu phi

Thứ ba - 02/11/2021 04:39
(Hội NDNA) - Theo ông Ngô Đức Quỳnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện tại bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh và cả thuốc chữa bệnh. Mặt khác rất khó xác định cơ chế lây truyền của loại bệnh dịch này. Vì vậy cách tốt nhất là chủ động có biện pháp tích cực nhất, hiệu quả nhất, kịp thời nhất để phòng chống bệnh ở mỗi trang trại và ở từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Thực tiễn và kinh nghiệm cho thấy, vừa qua ở đâu tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng chống bệnh dịch tốt từ việc khử trùng tiêu độc để ngăn ngừa mầm mống gây bệnh từ xa, quản lý và nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn chặt chẽ; phát hiện lợn bị nhiễm dịch bệnh sớm, tiêu hủy kịp thời… thì ở đó mức độ lây lan, bùng tái phát dịch bệnh trở lại được hạn chế, mức độ thiệt hại không nhiều. Ngược lại, ở đâu thờ ơ, buông lỏng quản lý và chỉ đạo không kiên quyết, không cụ thể thì ở đó liên tục bệnh dịch cứ lắng xuống rồi lại tái phát trở lại.

Đơn cử ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu hầu như năm nào ở địa phương này cũng bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi nối tiếp đợt này qua đợt khác chưa thể chấm dứt được. Hiện tại ở xã Diễn Nguyên đã và đang có 6-7 thôn đều có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi với số lượng gần 100 con phải tiêu hủy, có tổng trọng lượng trên 8 tấn.
 
chu dong phun pc dich ta lon chau phi o trai lon ong ng van vu xa dien chau
Chủ động phun PC dịch tả lợn Châu Phi ở trại lơn ông Ng Văn Vũ xã Diễn Châu
Theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Diễn Châu cho biết: toàn huyện hiện nay đang có 8-9 xã có lợn bị nhiễm bệnh dich tả lợn Châu Phi chưa qua khỏi 21 ngày đó là các xã: Diễn Nguyên, Diễn Xuân, Diễn Kỷ, Diễn Cát, Diễn Quảng, Diễn Thành, Diễn Trung, Diễn Kim. Số lợn phải tiêu hủy trên 30 tấn. Đặc biệt từ sau ngày bị ảnh hưởng 2 cơn bão số 7 và số 8 lại nay do mưa nhiều, nước ngập tràn ở tất cả các địa phương, nên càng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan mạnh khó kiểm soát. Trước tình hình đó, UBND huyện đã cử cán bộ của Phòng NN & PTNT, cán bộ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện xuống các xã đang có dịch cùng cán bộ địa phương chỉ đạo bà con nông dân đồng loạt tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, mương máng, cống rãnh, phun thuốc, rắc vôi tiêu độc, khử trùng và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển buôn bán, giết mổ lợn tại các vùng có dịch.

Cũng ngay tại huyện Diễn Châu, trại lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Vũ ở xã Diễn Thái mỗi năm ông nuôi hàng trăm con lợn thịt, chưa có năm nào trại lợn nhà ông bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi hay các bệnh khác. Bí quyết duy nhất của ông là: Mỗi khi có thông tin về dịch bệnh của lợn đã xuất hiện trên địa bàn huyện Diễn Châu, Yên Thành hay Quỳnh Lưu… Ông không chủ quan, không hốt hoảng, không lo lắng bán chạy lợn để tránh dịch. Ngay lập tức ông áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng quy trình hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Rồi ông tự mình hàng ngày phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột bao quanh khắp trại, ngăn cấm triệt để mọi người không ai được ra vào chuồng trại (kể cả vợ con ông). Mỗi lần ra vào chuồng trại để vệ sinh, cho lợn ăn ông đều tự mình làm lấy và trước khi làm ông phải thay quần áo, dày dép cẩn thận. Khi có lợn xuất chuồng, xe đến mua và vận chuyển lợn phải dừng ở phía ngoài cách cổng trại 100m và được phun thuốc sát trùng rồi sau đó chính ông tự mình vận chuyển lợn từ trong trang trại đưa ra tận xe để đảm bảo an toàn tuyệt đối về vệ sinh phòng dịch. Bằng cách phòng chống dịch như vậy, nhiều năm qua trại lợn gia đình ông Nguyễn Văn Vũ vẫn an toàn tuyệt đối trong dịch bệnh.

Đến huyện miền núi Tân Kỳ, tại đây theo ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng NN & PTNT của huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 46.000 con lợn, từ khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi lại nay số xã, thị trấn có lợn bị bệnh này không nhiều, hiện tại chỉ có 2 xã (Nghĩa Hoàn và Nghĩa Hành) đang có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi với số lợn bị bệnh mỗi xã 3-5 con được phát hiện sớm tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã được xử lý ngay sau đó. Đặc biệt trên 150 trang trại và gia trại lợn có quy mô từ 30 con trở lên trong toàn huyện hoàn toàn sạch bệnh, do ở các trang trại và gia trại này họ thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch triệt để. Đơn cử như trang trại lợn của ông Hùng ở xã Nghĩa Hoành có 2.400 con lợn, trang trại của Hùng ở xã Nghĩa Dũng có 1.800 con lợn hay ở gia trại ông Bùi Bá Hợi ở xã Đồng Văn có trên 300 con lợn… Tuy chăn nuôi với số lượng lợn rất nhiều, nhưng không có trang trại, gia trại nào có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Qua theo dõi thực tế ông Nguyễn Công Trung cho biết: Sở dĩ chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình lợn hay bị các loại bệnh dịch là do các chủ hộ chăn nuôi quá ít lợn nên họ vừa chủ quan, vừa coi thường phòng dịch. Thậm chí có gia đình còn mua nhầm thịt lợn đã bị nhiễm bệnh ở ngoài chợ về ăn rồi từ đó gây bệnh cho lợn nhà mình. Còn ở các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn nhiều không bao giờ có chuyện ấy, đến cả việc các bao thức ăn công nghiệp mua về cho lợn ăn cũng phải được phun thuốc sát khuẩn, tiệt trùng trước khi đưa vào trại cho lợn ăn.

Tóm lại ở đâu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tốt thì sẽ không còn tình trạng bệnh dịch cứ lặng đi rồi lại tái phát dịch trở lại như hiện nay. Đây là vấn đề các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và bà con chăn nuôi lợn cần phải có cách nhìn đúng để hành động đúng mới chấm dứt được dịch bệnh trên đàn lợn nuôi hiện nay.

Doãn Trí Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay12,481
  • Tháng hiện tại325,038
  • Tổng lượt truy cập15,465,920
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây