NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Mưa lũ dồn dập, nhiều địa phương chìm trong biển nước
Thứ sáu - 30/10/2020 13:111.3430
(Hội NDNA) - Do ảnh hưởng của cơ bão số 9, từ ngày 28 - 30/10, ở Nghệ An liên tục có mưa lớn, kèm theo gió lốc, nước từ đầu nguồn đổ về nhiều gây ngập úng và thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong tỉnh.
* Thanh Chương: 2 người mất tích trong lũ lụt
Mưa lớn làm cho mực nước lên nhanh gây ngập úng, chia cắt trên diện rộng. Tính đến 10 giờ sáng ngày 30/10, huyện Thanh Chương đã tổ chức di dời 1.028 hộ bị ngập, 92 hộ bị sạt lở đất. Mưa lũ làm cho 2 người bị thương, 2 người mất tích; 3 nhà dân bị cây đè đổ, 2 nhà bị sập tường, 635 m bờ rào bị sập; 383 ha hoa màu, 249 ha thủy sản bị thiệt hại, 5.200 con gia cầm và một số gia súc bị nước cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó có tuyến đường qua Rú Nguộc (xã Ngọc Sơn) và tuyến đường từ xã Thanh Hương đi xã Ngọc Lâm bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Nước lũ cũng cuốn trôi 1 cầu qua đường giao thông tại xã Thanh Sơn, 1 cầu tràn và 9 cầu tạm, trên 25.000 m kênh mương bị sạt lở.
Phương Trang
* Nghi Lộc: Gần 1.500 hộ dân phải di dời
Mưa lụt làm ngập úng cục bộ nhiều khu dân cư của huyện Nghi Lộc, có gần 1.500 hộ dân tập trung tại các xã Nghi Mỹ, Nghi Thuận, Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam, Nghi Phương phải di dời. Một số tuyến đường giao thông bị ngập lụt phải phân luồng, cấm người qua lại. 1.850 ha lúa, ngô, lạc, rau màu các loại và 700 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hại; trên 16.000 con gà con, 9.000 con gà thịt đã đến độ xuất bán bị chết. Trên địa bàn huyện có 45 hồ chứa nước ở mức báo động 3. Tại các xóm 2, 3, 4 xã Nghi Mỹ có trên 300 hộ bị cô lập, nhất là xóm 4 Mỹ Hòa hiện nước đã ngập sâu có nơi trên 2m làm hư hỏng lúa gạo và tài sản của bà con nhân dân. Huyện đã huy động lực lượng đưa xuồng máy ứng cứu, đưa trên 120 hộ dân, chủ yếu người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Thảo Ngọc
* Nam Đàn: Xẩy ra vụ đuối nước thương tâm
Trên địa bàn huyện Nam Đàn có hơn 1.000 ha cây trồng vụ Đông bị ngập úng (trong đó, 712 ha ngô; 443ha rau màu các loại), gần 1.178 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, ngập, mất trắng. Một số khu vực dân cư thuộc 3 xóm của xã Trung Phúc Cường, xóm Đại Đồng xã Thượng Tân Lộc bị ngập cục bộ. 292 hộ nằm sát triền núi có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt 39 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao đã được di dời. Tại xã Nam Thanh xẩy ra vụ đuối nước thương tâm làm một học sinh lớp 11 bị nước lũ cuốn trôi, địa phương đang tập trung lực lượng tích cực tìm kiếm.
Thanh Hòa
* Đô Lương: 2.281 ngôi nhà và 4 trường học bị ngập
Tính đến 13h ngày 30/10, tại huyện Đô Lương có 2.281 ngôi nhà và 4 trường học bị ngập trong biển nước, nhiều làng xóm bị cô lập hoàn toàn. Nước dâng nhanh làm 8.350m đường bị ngập, 5.880m đường và 11 đập bị sạt lở, hư hỏng 5 trạm bơm. Nhiều diện tích cây trồng và vật nuôi bị hư hỏng, trong đó có 13 ha mía bị ngập, 1.442 ha hoa màu, rau màu bị thiệt hại hoàn toàn; 134 con gia súc, 2.700 con gia cầm bị thiệt hại. Làng Văn Hà xã Quang Sơn với gần 100 nhà bị ngập sâu có nơi 0,8 – 1,2m.
Vân Nhi
* Yên Thành: Hơn 2.000 con gia cầm, thủy cầm ở các gia trại bị chết và cuốn trôi
Nước lũ dâng cao, khiến hơn 2.700 nhà dân bị ngập sâu; 56 xóm của 23 xã trong huyện bị cô lập, chia cắt; trong đó 12 xóm ở các xã Khánh Thành, Trung Thành, Bảo Thành, Công Thành, Viên Thành bị nước lũ chia cắt cô lập hoàn toàn. Đoạn kênh đê chính thuộc địa phận Thị trấn và xã Lý Thành bị sạt lở; 396 ha cây vụ đông và 116 ha bị ngập; 105 con lợn và hơn 2.000 con gia cầm, thủy cầm ở các gia trại bị chết và cuốn trôi. Bờ kè đập Cây Tráu (Sơn Thành) bị sập 20m; Đập Bói xã Đồng Thành; Đập Bàn Vàng 2 (xã Tiến Thành) bị sạt lở. Các tuyến đường QL 7A, 7B, 48E nhiều đoạn bị ngập, chia cắt cục bộ.
Thu Hà
* Diễn Châu: Di dời 45 hộ dân, 3.800 ha cây trồng bị thiệt hại
Mưa lớn từ 300-500mm, kéo dài trong 2 ngày qua đã gây sạt lở đất tại 6 điểm thuộc xã Diễn Lộc, Diễn Lợi và xã Diễn Phú làm 45 hộ dân phải di dời, riêng xã Diễn Phú có 4 điểm sạt lở đất, với 30 hộ phải di dời. 3.800 ha cây trồng, 128 ha sản xuất muối, 500 ha nuôi thủy sản bị ngập; trong đó có 400 ha cây trồng, 118 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại trên 70%, trên 3.000 con gia cầm bị chết hoặc bị nước cuốn trôi. 7 cống qua đê quốc phòng thuộc địa bàn các xã Diễn Hải, Diễn Hùng, Diễn Kim, tuyến đê Sơn Tịnh, qua xã Diễn Hoàng bị sạt lở, hư hỏng. Trước tình trạng này, huyện Diễn Châu đã huy động lực lượng tại chỗ của 37 xã, thị trấn giúp dân khắc phục, thuê máy khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước nhanh nhất.
Hồng Hạnh
* Hưng Nguyên: có 4.371 hộ dân bị nước vào nhà
Đến 16 giờ ngày 30/10, toàn huyện Hưng Nguyên có 45 xóm bị ngập; trong đó xã Long xá 8 xóm; xã Châu Nhân 5 xóm; Hưng Lợi 6 xóm, Xuân Lam 4 xóm, Hưng Yên Bắc 5 xóm; Hưng Yên Nam 2 xóm, đặc biệt xã tại xã Hưng Trung toàn bộ 11 xóm bị ngập nặng. Gần 200 ha rau màu; 140 ha nuôi cá vụ 3 và 520 ha chuyên cá bị thiệt hại nặng; 8.000 con gia cầm bị ngập chết. Toàn huyện có 4.317 hộ bị nước vào nhà; trong đó có khoảng 710 hộ bị nước ngập từ 1 - 1,5 m. Huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương di dời 543 người dân bị ngập nước sâu ở xã Hưng Trung, Long Xá, Châu Nhân đến nơi an toàn.
Dương Khang
* Thành phố Vinh: Nhiều tuyến đường bị ngập sâu
Nhiều tuyến đường lớn ở Vinh bị ngập sâu làm giao thông tê liệt, nhiều phương tiện bị chết máy dọc đường. Đặc biệt, các tuyến đường và nhà dân ở phường Bến Thủy ngập sâu, có nhiều hộ ngập hơn 2m. Gần 100 cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện của Lữ đoàn 873 (Cục Hậu cần - Quân khu 4) đã nhanh chóng cơ động bằng xuồng máy vào các ngõ hẻm, cứu gần 100 người dân đưa đến vị trí an toàn. Tính đến 16h30 ngày 30/10, thành phố Vinh có 328 ha lúa, 70 ha ngô, 1 ha lạc, 260 ha rau màu, 60 ha hoa cây cảnh bị hư hỏng; 4.725 con gia cầm bị chết; 268 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ.