Thiêng liêng Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập

Thứ hai - 31/08/2020 12:24
(Hội NDNA) - 75 năm trước, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, người dân Việt Nam lần đầu tiên biết đến quyền và nghĩa vụ công dân. Giá trị của độc lập, tự do được đánh đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ. Giá trị ấy tiếp tục được bảo vệ, giữ gìn, phát triển qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Cụm từ “Tết Độc lập” được dành riêng cho Tết Bính Tuất 1946, một cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Kể từ ngày đó, Tết Độc lập được nhân dân ta sử dụng trong dịp mừng Quốc khánh hằng năm. Đối với người dân Việt Nam, Ngày Quốc khánh 2-9 còn mang ý nghĩa và giá trị lớn hơn cả Tết Nguyên đán, bởi đó là ngày ghi nhận sự kiện một nước Việt Nam mới ra đời. Từ đêm trường nô lệ, lần đầu tiên trong đời, mọi người dân Việt Nam nhận thấy tất thảy giá trị làm người, quyền và nghĩa vụ công dân thiêng liêng, cao cả của mình.

Ngày Quốc khánh - Tết Độc lập, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào về thành quả cách mạng, tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng. Lá Quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng cao cả của đất nước, ngày lễ, tết, nhất là ngày Tết Độc lập tung bay khắp góc phố, đường làng ngõ xóm, ngoài hải đảo xa xôi, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca trên Quảng trường Ba Đình được duy trì hằng ngày, được cử hành nghiêm trang với sự chứng kiến của rất nhiều người dân Thủ đô. Vào ngày 2-9 hằng năm, lễ chào cờ, hát Quốc ca ở trung tâm Thủ đô như thiêng liêng hơn, với sự chứng kiến của đông đảo người dân, đánh dấu hơn bảy thập niên Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Không chỉ vậy, vào ngày đặc biệt này, khắp nơi trên đất nước diễn ra nhiều hoạt động vui Tết, trong đó có các lễ hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Với người Mông trên cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, trong một năm có hai dịp lễ quan trọng nhất, đó là Tết cổ truyền và Tết Độc lập 2-9. Tết Độc lập của người Mông ở huyện Mộc Châu ra đời từ cuối những năm 1950 của thế kỷ trước để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng. Lễ hội thường kéo dài từ ngày 31-8 đến ngày 2-9. Vào dịp này, đồng bào dân tộc Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo nô nức rủ nhau đến trung tâm huyện vui ngày Tết Độc lập. Người Mông mong chờ lễ hội, chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước đó, lựa chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất để tham dự lễ hội. Đồng bào Mông đến lễ hội để hò hẹn, trao gửi tình cảm, gặp gỡ, giao lưu, tâm tình, tham gia các trò chơi dân gian thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả.

Cũng mấy năm gần đây, trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Lễ hội Khèn Mông được tổ chức và duy trì hằng năm chào mừng ngày Quốc khánh 2-9. Với ý nghĩa đó, Tết Độc lập ở Mộc Châu và Lễ hội Khèn Mông ở Đồng Văn trở thành một trong lễ hội truyền thống, một nét văn hóa đặc trưng của vùng cao Tây Bắc.

Niềm vui của Ngày Quốc khánh-Tết Độc lập hiện diện từ ánh mắt, nụ cười, gương mặt của bao thế hệ người Việt Nam suốt hơn bảy thập niên qua. Bởi ai cũng hiểu rằng, ngày Tết đặc biệt ấy là thành quả cách mạng vĩ đại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là hạnh phúc của người dân Việt Nam. Vậy nên, bổn phận của mỗi người dân là làm cho niềm hạnh phúc ấy ngày càng lan tỏa và trở thành một động lực, niềm tin nâng bước chúng ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hoài Như

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập302
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm301
  • Hôm nay19,815
  • Tháng hiện tại678,760
  • Tổng lượt truy cập16,553,350
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây