Nông dân Nghệ An với các phong trào cách mạng

Chủ nhật - 04/10/2020 22:33
(Hội NDNA) - Ngay từ lúc Đảng cộng sản Việt Nam còn trong trứng nước, Nghệ An đã là cái nôi ấp ủ, nuôi dưỡng những phong trào cách mạng, những con người cách mạng. cùng với nông dân cả nước, nông dân Nghệ An đã tự giác nổi dậy đấu tranh đòi giảm sưu thuế, đòi bỏ bắt phu. Nông dân ở khắp các vùng quê biết tập hợp nhau lại trong những hội lợp nhà, hội cày cấy, hội đốt than, hội buôn bán… để cùng nhau đoàn kết đấu tranh cho quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc.
Đảng CSVN ra đời đã tạo nên bước ngoặt mới cho lịch sử Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam. Ở Nghệ An dưới sự lãnh đạo của xứ uỷ Trung Kỳ, của Tỉnh uỷ Nghệ An, tổ chức Nông hội đỏ ngày càng trở nên vững mạnh sát cánh cùng với Công hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên cộng sản vững vàng tiến vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cao trào cách mạng 1930 – 1931 ở Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình của hàng nghìn công nhân Vinh, Bến Thuỷ. Tiếp đó là hàng nghìn, hàng trăm nghìn lượt nông dân của Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu… đã nổi lên biểu tình chống địch khủng bố, đòi quyền lợi, ruộng đất, đòi giảm sưu thuế. Lần đầu tiên trong lịch sử các phong trào cách mạng của nông dân, công nhân đã đập tan bộ máy thống trị của thực dân – phong kiến lập nên chính quyền Xô Viết Công -  Nông. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 8 tháng, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam, đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ.
 
cao trao xo viet nghe tinh
Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Trong những thời kỳ khó khăn nhất, khi bọn đế quốc ráo riết tập trung khủng bố hòng dập tan ngọn lửa Xô Viết, tiêu diệt phong trào cách mạng, nông dân Nghệ An vẫn bền gan, vững chí, một lòng đi theo Đảng. Sau những trận càn, những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù, nông dân lại chuyên tâm cày bừa, cấy hái, tích cực tăng gia sản xuất nuôi bộ đội, che dấu cán bộ, bảo vệ tổ chức Đảng, tiếp tục nhen nhóm các phong trào cách mạng.

Cuộc tổng khởi nghĩa mùa Xuân năm 1945 thành công có một phần công sức lớn lao của nông dân trong tỉnh. Dưới ngọn cờ Việt Minh, giai cấp nông dân, Công nhân cùng các tầng lớp khác đã ào ạt tiến lên trong khí thế triều dâng thác đổ. Qua 12 ngày đêm (từ ngày 15/8 - 28/8/1945), 13 cuộc khởi nghĩa ở khắp các huyện trong toàn tỉnh đã giành thắng lợi toàn vẹn. Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với các tổ chức của giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.

Sau khi giành chính quyền, Nghệ An phải đối mặt với muôn vàn khó khăn mới. Chính quyền cách mạng còn non trẻ phải cùng lúc đối phó với thù trong, giặc ngoài, đồng thời phải giải quyết hậu quả của nạn đói đầu năm 1945 để lại. Song, nông dân Nghệ An vẫn hăng hái thi đua, ban ngày tích cực tăng gia sản xuất, đêm đến lại chong đèn theo học các lớp bình dân học vụ; chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với các âm mưu của giặc ngoại xâm.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thực hiện khẩu hiệu “mỗi người dân là một người lính”, nông dân ở khắp nơi trong tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ngày ấy ở mỗi huyện có một Đại đội dân quân du kích tập trung và hàng vạn dân quân tự vệ. Các huyện tổ chức thành lập các xưởng vũ khí, góp sắt, góp đồng sản xuất đao, kiếm và cả mìn, lựu đạn. Với tinh thần “quân sự trên hết, tiền tuyến trên hết”, giai cấp nông dân đã động viên con em mình ra trận phục vụ tiền tuyến. Trong 9 năm kháng chiến, toàn tỉnh có hơn 80 nghìn người xung trận, 10.630 thanh niên xung phong và 927.447 lượt người tham gia dân công hoả tuyến, nông dân cũng đã đóng góp 30 vạn tấn thóc, 1 vạn chiếc xe đạp thồ, 23kg vàng, 350 bạc nén dành gửi ra mặt trận góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của thực dân pháp trên đất nước ta.

Khi phong trào nông dân đang lên, kinh tế tỉnh nhà đang có bước phát triển thì đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Nghệ An một lần nữa bị tàn phá nặng nề. Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, hàng vạn con em nông dân Nghệ An kế thừa truyền thống Xô Viết năm xưa lại hăng hái lên đường ra trận. Với trí dũng song toàn, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì nhiệm vụ, hàng vạn chiến sỹ là con em trong tỉnh đã được phong tặng danh hiệu anh hùng, dũng sỹ diệt Mỹ…

Ở hậu phương nông dân vừa là xã viên vừa là chiến sỹ, “vững tay bừa, chắc tay súng” chống trả quyết liệt với kẻ thù. Mở chiến công đầu, nông dân xã Diễn Hùng dùng súng bộ binh đã bắn rơi máy bay phản lực, chấm dứt huyền thoại con ma thần sấm của Hoa Kỳ. Tại các trọng điểm giao thông Hoàng Mai, Cầu Bùng, Cầu Cấm, Truông Bồn, Nam Đông… đường giặc phá dân đắp, cầu cống giặc đánh sập dân làm lại với quyết tâm “xe chưa qua, nhà không tiếc”, trên các tuyến giao thông không một ngày xe ra tiền phương dừng lại. Thực hiện khẩu hiệu “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, Hội Nông dân Nghệ An đã tổ chức động viên lực lượng cùng mình phát triển sản xuất, bảo vệ hậu phương, cung cấp quân lương cho mặt trận. Những đóng góp to lớn ấy đã cùng với quân dân cả nước bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, Nghệ An và Hà Tĩnh được hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh, Hội ND tập thể tỉnh được củng cố và phát triển. Dưới sự tập hợp của tổ chức Hội, nông dân Nghệ Tĩnh đã vừa tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tạo dựng cơ sở hạ tầng, vừa tổ chức lại sản xuất. Trước yêu cầu của đất nước, hàng vạn nông dân với “mo cau quả cà” đã hăng hái đến với các công trường Vực Mấu, Vách Vừng, Vách Bắc, Vách Nam, Sông Nghèn, Kẻ Gỗ, Hiệp Hoà, Đập Bưởi… với quyết tâm đưa tỉnh ta thoát khỏi tỉnh nghèo. Bằng sức người, nông dân đã tạo dựng nên những công trình thế kỷ; khai hoang phục hoá gần 6 vạn ha; đào đắp hàng nghìn km kênh mương và làm đường giao thông, gần 3 vạn hộ dân dời nhà lên đồi, giải phóng được hơn 2000 ha đất canh tác; hơn 9 vạn lao động tình nguyện đi các vùng kinh tế mới, nông dân khắp nơi đã tích cực tăng gia sản xuất, áp dụng các tiến bộ KHKT, tổ chức hợp tác để nâng cao năng suất. Đối với miền núi, Hội ND vận động bà con định canh, định cư, đã có nhiều HTX Miền núi nổi tiếng về thực hiện nông lâm kết hợp, thâm canh cây lúa, giải quyết lương thực, có sản phẩm hoa màu bán cho nhà nước. Đời sống nông dân từ miền ngược đến miền xuôi đã từng bước được cải thiện.

Bước vào thời kỳ đổi mới và nhất là từ sau khi tách tỉnh (1/9/1991), công tác Hội Nông dân của tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực. Trong cơ chế mới, Hội đã tuyên truyền vận động, giúp nông dân biết phát huy hết năng lực của mình để khai thác nguồn tiềm năng của biển, của rừng, của đất đai khí hậu; nhanh nhạy nắm bắt, dự đoán thời cơ để phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ làm giàu cho gia đình và cho quê hương đất nước.
 
nong dan con cuong su dung may de thu hoach che
Nông dân Con Cuông sử dụng máy để thu hoạch chè
Ngày nay, giai cấp nông dân Nghệ An tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, hội viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng và vai trò chủ thể của nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục có những bước phát triển mới về lượng và chất. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, cho địa phương, góp phần đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh nhà có bước phát triển toàn diện, liên tục với trình độ ngày càng cao, đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nhiều mô hình điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhiều hộ nông dân khắp các địa phương mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư tiền của, sức lao động, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh vươn lên làm giàu.

 Với truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng; với trí thông minh, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất của giai cấp nông dân nói chung, nông dân Nghệ An nói riêng được tôi luyện và không ngừng lớn mạnh. Ở bất kỳ giai đoạn, thời điểm nào, nông dân luôn là lực lượng to lớn góp phần không nhỏ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nỗ lực cố gắng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. Xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.  

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập363
  • Hôm nay20,552
  • Tháng hiện tại679,497
  • Tổng lượt truy cập16,554,087
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây