Giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ bảy - 07/09/2019 18:38
undefined
undefined
Để khắc phục hậu quả và tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi trong bối cảnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF) còn diễn biến phức tạp cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Hội Nông dân (Hội ND) các cấp. Do đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
 
Người chăn nuôi thiệt hại lớn khi đàn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 8/7/2019, ASF đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu huỷ lên tới trên 3,3 triệu con. Chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa có ASF.
Ngày 1/2/2019, ASF xuất hiện lần đầu tiên tại Hưng Yên, sau đó lây lan sang nhiều tỉnh thành khác. Cà Mau có 9.300 con lợn bị nhiễm bệnh ASF, Lào Cai 12.300 con, Đồng Nai  94,3 nghìn con… Ngày 2/7/2019, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thử nghiệm vaccine phòng chống ASF bước đầu thành công. Tuy nhiên, để có được vaccine thương thẩm từ kết quả ở phòng thí nghiệm là một quá trình dài.

 
Qua khảo sát ở một số địa phương, có thể thấy vai trò chỉ đạo, quản lý của chính quyền các cấp đã có những giải pháp quyết liệt, góp phần hạn chế thiệt hại cho bà con nông dân. Tuy nhiên, thiệt hại hơn 12% tổng đàn lợn trên cả nước là vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người nông dân, phải mất một thời gian dài mới tiếp tục tái đàn, khôi phục sản xuất.
 
Đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN khảo sát mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học tại trang trại lợn tại xã Đồng Tuyển- thành phố Lào Cai
 
Mặc dù T.Ư Hội NDVN đã có 3 văn bản chỉ đạo các cấp Hội thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống ASF. Song theo nhận định tình hình ASF sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, nhất là Hội ND các cấp thực hiện phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, Hội ND các cấp nên tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

 
Thứ nhất, tăng cường liên kết trong quá trình chăn nuôi thông qua việc xây dựng và phát triển các chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp theo chỉ đạo của Ban thường vụ Trung ương Hội, nhằm: (1) Chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, thống nhất giải pháp chung đối phó với dịch bệnh; (2) Tạo lập các yếu tố tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; (3) Giúp cơ quan quản lý có cơ sở nắm chắc quy mô đàn lợn và chỉ đạo sát thực tế từ khâu lập quy hoạch, tổ chức sản xuất, xác định thị trường và kiểm soát dịch bệnh.

 
Thứ hai, thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền nông dân tái đàn và tổ chức chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.

 
Thứ ba, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn có quy mô vừa phải, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, sử dụng đệm lót sinh học, đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, vệ sinh môi trường, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi.

 
Thứ tư, Hội ND các cấp cần phối hợp triển khai Nghị định 58/2018/NĐ-CP, ngày 18/4/2018 và Quyết định 22/2019/QĐ-TTG, ngày 26/6/2019 quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người chăn nuôi. Mặc dù Chính phủ đã có quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống ASF, nhưng mức hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi, 30.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác chỉ giúp người chăn nuôi giảm bớt phần nào thiệt hại, từng bước khắc phục khó khăn. Do vậy, cần có thêm chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn sản xuất để đảm bảo lượng cung hàng hóa, tránh sự khan hiếm đẩy giá thịt lợn lên cao, ảnh hưởng đến đời sống của người tiêu dùng.

 
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh nghiên cứu để sớm sản xuất được vacxin phòng chống ASF nhằm khống chế, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại.
 

Nguyễn Khắc Toàn

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay7,437
  • Tháng hiện tại324,470
  • Tổng lượt truy cập14,978,364
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây