Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy

Thứ bảy - 12/12/2020 08:41
Tại Hội nghị trực tuyến chiều 12/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần: “chúng ta làm việc thực chất, hiệu quả nhằm mục tiêu nâng cao mức sống cho nông dân, xóa nghèo ở nông thôn, miền núi”, đừng làm những thứ không cần thiết.
Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 61) và Quyết định số 673/QĐ- TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020".

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 Trung ương; Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Phước Lộc - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

 
dsc 0285
Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; thường trực đảng ủy và hội nông dân 21 huyện, thành, thị.

Trong 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương và các địa phương; các cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân đã làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có cán bộ, hội viên, nông dân về nội dung Kết luận 61-KL/TW và quan điểm của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó đã tạo sự đồng thuận cao, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Kết luận 61-KL/TW đạt kết quả cao. Các chỉ tiêu về thu nhập của cư dân nông thôn; hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, dịch vụ về vốn, xây mô hình kinh tế tập thể, dạy nghề và tạo việc làm cho nông dân, kết nạp hội viên và đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu của Đề án 61 đề ra.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được triển khai rộng khắp. Hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 4.800 tỷ đồng. Tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, giúp cho trên 01 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100 ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có, góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân ở nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018) tăng gấp 3,92 (đạt 156,8% so với mục tiêu Đề án). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm), đến năm 2020 ước còn dưới 3%.

Thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân" đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hồ trợ nông dân Trung ương; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp ở địa phương 1.980,817 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống Hội đến nay đạt 3.624.255 tỷ đồng.

Thực hiện Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 19,1%). Các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân thi đua xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa,…; giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19.
 
bkt de an 61 lam viec tai na
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án 61 của Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, nghe kết quả thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673 tại Nghệ An.

Tại Nghệ An, từ năm 2012 đến nay, 21/21 đơn vị cấp huyện đã được UBND trích ngân sách cấp bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến 30/10/2020, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đang quản lý là 68.354 triệu đồng. Các nguồn vốn trên đã tập trung xây dựng được 261 mô hình sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho 2.023 hộ hội viên nông dân vươn lên làm giàu và trở thành những người hăng hái đi đầu trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
 
lanh dao tw hoi ndvn tham mo hinh nong dan san xuat kinh doanh gioi o xa quang thanh huyen yen thanh tinh nghe an
Đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng đoàn công tác Thăm mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.


Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình hành động số 21 –CTr/TU đã đề ra 5 chương trình và 13 Đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đến nay cơ bản đã được xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần to lớn vào sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn tỉnh nhà. Kết quả nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân hàng năm đạt 4,47%; xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH ở khu vực nông thôn ngày càng được đổi mới theo chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn đạt 84,5%; đến nay có 306/411 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm; đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 3%; bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn ước đạt trên 22,6 triệu đồng/người/năm.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ngành và địa phương đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ; đồng thời đề xuất các giải pháp để các cấp Hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; các phong trào thi đua của Hội Nông dân tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, được nâng cao về chất lượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân.
 
dsc 0306
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao trách nhiệm của các cấp Hội, sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61, của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng có mấy tồn tại lớn. Một số ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn. Một số cấp ủy chưa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61; việc triển khai Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ ở nhiều nơi còn bất cập, nhất là trong việc bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân. Đội ngũ cán bộ ở một số cấp còn còn thiếu và yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham mưu các vấn đề liên quan đến nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.

Để triển khai Đề án 61 và Quyết định 673 tốt hơn, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, “chúng ta làm việc thực chất, hiệu quả nhằm mục tiêu nâng cao mức sống cho nông dân, xóa nghèo ở nông thôn, miền núi”, đừng làm những thứ không cần thiết. 
Tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Nông nghiệp, nông thôn, nông dân và chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới với những khó khăn hơn, ở mức cao hơn, cho nên sự chỉ đạo phải quyết liệt. Xây dựng nông thôn mới không chỉ là hạ tầng mà chính là nâng cao đời sống người dân.

Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả hơn nữa, sát hơn nữa Kết luận số 61-KL/TW.

Các cấp Hội Nông dân tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác của Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội, nhất là trong việc khai thác các trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân ở các địa phương. Có trách nhiệm vận động các thành phần kinh tế đóng góp xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng đề nghị, cùng với ngân sách Trung ương, các địa phương xem xét cấp vốn cho Quỹ hỗ trợ nông dân.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Kim Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tin đọc nhiều
Thư viện ảnh
unnamed.jpg Hàng cây nông dân ơn Bác của Hội Nông dân phường Nghi Thủy,... Hàng cây Nông dân ơn Bác xã Hưng Lộc, thành phố Vinh Hàng cây nông dân ơn Bác của Hội Nông dân xã Châu Nhân,... xd2-17.jpg
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay11,601
  • Tháng hiện tại314,058
  • Tổng lượt truy cập7,783,511
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây