Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Kim Tiến: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Thứ ba - 12/09/2023 05:06
(Hội NDNA) - Đầu tư vào kinh tế trang trại khá muộn, thay vì đặt lợi nhuận lên hàng đầu thì chị lại chọn cho mình hướng đi riêng. Đó là xây dựng trang trại tuần hoàn khép kín và theo đuổi sản xuất sạch.
Làm trang trại khép kín, theo đuổi sản xuất sạch

Sinh năm 1965, chị Nguyễn Kim Tiến trú tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa vốn là một nữ doanh nhân có tiếng trên thương trường với ngành nghề kinh doanh và dịch vụ vận tải. Năm 2006, chị đột ngột “rẽ ngang” chuyển sang đầu tư kinh tế trang trại trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Thế nhưng với chị, đó không phải là sự bốc đồng hay liều lĩnh mà là những trăn trở, nghĩ suy và là cả đam mê với lĩnh vực này. “Làm nông nghiệp không hề dễ, đầu tư tiền tỷ nhưng lại thu về từng nghìn, lại vất vả, tôi hiểu rõ điều đó. Nhưng chính trăn trở trước việc sản xuất sạch, với mong muốn để lại cái gì đó cho đời, làm vì sức khoẻ cộng đồng nên tôi quyết định chuyển hướng. Điều này, tôi ấp ủ từ lâu nay”.

Trên 6ha đất đồi có sẵn, chị dốc vào đó số tiền bao năm tích góp được để xây dựng trang trại thành nhiều phân khu khác nhau: Khu chăn nuôi, khu trồng trọt, khu nuôi cái nước ngọt… “Mặc dù lường trước được những khó khăn và thử thách. Nhưng khi trải qua nhiều biến cố trong quá trình khởi nghiệp bằng nông nghiệp mới thấm thía: Hàng trăm con lợn bị dịch bệnh, đàn gà dịch chết; giá cả bấp bênh… Thế nhưng, tôi vẫn luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu sản xuất sạch”, chị Tiến cho biết.

Theo đó, trên 6ha đất trang trại, chị dành 1ha diện tích mặt nước để cá tạp sinh trưởng, nuôi bèo cám, bèo tây, bèo dâu để làm thức ăn cho lợn và phân hữu cơ cho hơn 1ha diện tích bưởi da xanh, vải. Tận dụng đất trống quanh vườn chị trồng chuối, dứa để làm thức ăn cho lợn. Nguồn chất thải của lợn quay lại là thức ăn cho bèo, cho cá tạp; bón cho cây; làm khí đốt từ các hầm bi-o-ga. Với hình thức này, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường lại hạn chế được dịch bệnh. Ngoài ra, chị còn tự mày mòn, nghiên cứu để phòng bệnh và nâng cao phẩm chất thịt cho lợn bằng những loại thảo dược có sẵn trong vườn: lá nhót, lá ổi, mã đề… Do đó, lợn thịt từ trang trại của chị được thị trường đón nhận tích cực, dễ tiêu thụ và bán với giá cao.
anh chi kim tien thais hoa

Bên cạnh đó, trong quá trình chăn nuôi, chị nhận ra một điều rằng, giống lợn Móng Cái thuần chủng là giống lợn bản địa có đặc tính ham ăn, khả năng kháng bệnh cao, chóng lớn, dễ nuôi nhưng lại nhiều mỡ, giá trị kinh tế thấp. Còn lợn rừng thuần chủng dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế vượt trội nhưng có nhược điểm là giá thành cao, khó tiếp cận nhiều đối tượng tiêu dùng. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chị đã thử nghiệm thành công việc lai tạo giữa 2 giống lợn này và cho ra đời loại lợn rừng lai. “Giống lợn lai này có đặc điểm như: màu sắc lông đen pha đốm trắng, mõm dài, hay ăn, chóng lớn, dễ nuôi, thích nghi với các loại rau, cỏ và nguyên liệu sẵn có ở địa phương, đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon, ít mỡ, da dày giòn như da lợn rừng. Bên cạnh đó giống lợn này tiêu tốn thức ăn ít, giá thành cao luôn giữ mức ổn định từ 100.000 -120.000 đồng/1 kg, đây là giống lợn phù hợp cho những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ và những hộ khó khăn muốn chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình”, chị Tiến cho biết.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, những trăn trở với lựa chọn sản xuất sạch, quả ngọt là đến nay, chị đã đã xây dựng thành công trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VIETGAP. Doanh thu mỗi năm từ 15 đến 25 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 2-3 tỷ đồng.

Trăn trở giúp nông dân làm giàu 

Năm 2017, sau 10 năm làm trang trại, khi đã có một nền móng vững chắc, doanh thu và lợi nhuận ổn định thì chị lại quyết định thành lập HTX. “Nắm bắt được chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thành lập hợp tác xã mới và tính ưu việt khi chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông hộ sang hợp tác xã nên tôi đã quyết định chuyển đổi. Theo đó, lấy trang trại chăn nuôi làm nền móng, công nhân làm nhân lực và cũng là các xã viên, ngoài việc lao động hưởng lương, các thành viên hợp tác xã còn được chia cổ tức từ đồng vốn góp của họ. Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát được thành lập, tôi là giám đốc hợp tác xã và các thành viên ban đầu đều là công nhân lao động tại đây”. 

Với ý chí làm giàu cho bản thân, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các thành viên hợp tác xã, đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe cộng đồng, ngoài đầu tư hệ thống chuồng trại tự động, quy trình chăn nuôi và trồng trọt khép kín, chị con mở rộng các cơ sở giết mổ, các xưởng chế biến sâu các sản phẩm từ trang trại để tiêu thụ tại các cửa hàng của hợp tác xã và nhập cho các siêu thị, nhà ăn, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, doanh thu của HTX từ trồng bưởi da xanh, chăn nuôi lợn mỗi năm đạt 15 đến 25 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 2-3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng và hàng trăm lao động thời vụ.

Ngoài ra, chị cũng là điển hình trong công tác nhân đạo từ thiện, trong công tác an sinh xã hội của địa phương. Theo đó, chị đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn; hiến đất làm đường; tặng quà từ thiện; hỗ trợ con giống, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho những hộ nghèo. Từ năm 2020 đến nay, chị Kim Tiến cũng đã đóng góp ủng hộ trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ giống lợn cho 200 hộ nghèo để phát triển chăn nuôi. Chị Kim Tiến chia sẻ: "Bản thân tôi khi làm kinh tế trang trại được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi về thuế, về vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt, tổ chức Hội Nông dân các cấp luôn tạo điều kiện cho chúng tôi giao lưu học hỏi, mở rộng kiến thức phòng bệnh chữa bệnh cho gia súc gia cầm, kỹ năng trồng trọt, kỹ năng bán hàng và giới thiệu sản phẩm. Vì thế khi có lợi nhuận, tôi sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Và hiện tại, tôi đang là Phó Chủ nhiệm CLB Nông dân sản xuất giỏi của Nghệ An, sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn những nông dân khác kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt và khởi nghiệp nông nghiệp”.

Với những thành tích, đóng góp của mình, chị Nguyễn Kim Tiến 2 lần vinh dự được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tặng Bằng khen; hai lần được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen. Năm 2023, chị vinh dự được tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”…

Thanh Phúc

Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay8,354
  • Tháng hiện tại44,211
  • Tổng lượt truy cập6,349,944
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây