Nghệ An tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản sạch

Thứ sáu - 25/12/2020 04:24
Mặc dù trên địa bàn Nghệ An có rất nhiều nông sản, đặc sản địa phương, nhưng đầu ra còn hạn chế, việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc tăng cường kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản an toàn là rất quan trọng...
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp ở xóm Kim Nghĩa là 1 trong 60 hộ dân sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên địa bàn xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Vụ đông năm nay, gia đình chị trồng gần 3 sào rau, củ, quả các loại, vừa trồng trong nhà lưới, vừa trồng ngoài ruộng. Mặc dù chuyển đổi từ sản xuất rau truyền thống sang rau an toàn mang lại chất lượng, giá thành tăng lên, nhưng chị Hiệp vẫn canh cánh nỗi lo về đầu ra sản phẩm.
 
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Quang An

Chị Hiệp chia sẻ: “Tôi trồng rau an toàn theo hướng VietGAP từ năm 2017, mặc dù rau sản xuất ra đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng các quy trình nhưng chỉ bán được cho thương lái và các khách quen, chưa vào được thị trường lớn. Có năm được mùa, rau, củ bị ế buộc chúng tôi phải bán với giá rẻ, trong khi đó, rau trôi nổi trên thị trường vẫn được tiêu thụ mạnh, đó là điều chúng tôi thấy rất buồn...”.

Đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều hộ sản xuất thực phẩm an toàn hiện nay. Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, việc tìm được doanh nghiệp có thể bao tiêu nông sản an toàn vốn đã khó lại còn khó hơn.

Nếu như các “vựa màu” trên địa bàn tỉnh như Quỳnh Lưu, Diễn Châu hàng năm có trung bình từ 4 - 5 doanh nghiệp tham gia hợp tác, ký kết tiêu thụ nông sản, thì nay chỉ có 1 - 2 đơn vị, các huyện còn lại như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn... tìm được doanh nghiệp bao tiêu cũng là một quá trình đầy gian nan bởi việc đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp đang rất khó khăn. 

Dưa chuột an toàn tại huyện Diễn Châu bị tồn đọng, ế ẩm buộc phải giảm giá, kêu gọi giải cứu. Ảnh: Quang An

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra, có hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh. Tuy nhiên những nông sản, thực phẩm an toàn tại Nghệ An hiện chiếm một tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu các mặt hàng được bày bán tại các siêu thị.

Ông Trần An Khang - Giám đốc siêu thị BigC Vinh cho biết: “Mặc dù nông sản, đặc sản trên địa bàn Nghệ An rất nhiều nhưng thực tế mới đưa vào siêu thị BigC Vinh chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, chủ yếu là do hồ sơ pháp lý, quá nhiều sản phẩm tương đồng; nông sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả so với các tỉnh bạn...”.

Có chung nhận định như vậy, ông Nguyễn Công Việt - Giám đốc siêu thị Mega Market Vinh cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu khiến chúng tôi chưa thể ký kết với các đơn vị, hộ dân sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh là do họ chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu từ phía siêu thị đưa ra. Có những đơn vị đủ sản lượng thì lại thiếu về giấy tờ, thủ tục pháp lý và ngược lại. Bên cạnh đó, một điều tối kỵ khi nông sản trưng bày trên kệ hàng của siêu thị là không được phép hết hàng, ngày nào cũng phải có, tuy nhiên, đối với mặt hàng nông sản phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thời tiết... thì điều này không thể đảm bảo tuyệt đối, đây cũng là trở ngại khiến việc hợp đồng bị gián đoạn”.
Nông sản an toàn được bày bán tại siêu thị trên địa bàn TP Vinh. Ảnh: Quang An

Đồng bộ nhiều giải pháp

Liên kết, tiêu thụ nông sản an toàn cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, có trách nhiệm từ phía người dân, chính quyền địa phương cũng như đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Đối với người nông dân trực tiếp sản xuất ra nông sản, cần tuân thủ đúng các quy trình sản xuất nông sản an toàn để tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, các đơn vị bao tiêu. Thực tế nếu làm được điều này thì đầu ra sản phẩm sẽ luôn rộng mở.

Đơn cử như trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo ở huyện Yên Thành, sản phẩm cam được ông Giáo kiên trì đầu tư theo quy trình sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đội ngũ cán bộ công nhân viên trang trại cam Thiên Sơn đã thực hành và áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm bón, bảo quản sản phẩm đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất. Ngày 24/11/2020, trang trại cam của ông được đón nhận chứng chỉ nông nghiệp tốt toàn cầu: Global Good Agricultural Practices và sau đó đã xuất khẩu cam vào thị trường Nhật Bản thông qua siêu thị AEON...
Trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo ở huyện Yên Thành có đầu ra ổn định. Ảnh: Xuân Hoàng

Bên cạnh việc sản xuất, bà con cũng cần chủ động áp dụng khoa học công nghệ, làm quen với các trang mạng xã hội để có thể đăng tải sản phẩm, tự chủ động tìm kiếm bạn hàng, xóa bỏ dần thói quen trông chờ ỷ lại nhà nước. Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: “Các địa phương cần tăng cường giao lưu, liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Khi đã ký kết được hợp đồng, chính quyền cần thực hiện tốt việc giám sát quy trình sản xuất, đặc biệt là ngăn chặn hành vi bán trốn, bán lẻ nông sản ra thị trường khi thấy được giá của một bộ phận người dân để không làm mất niềm tin đối với phía doanh nghiệp bao tiêu”.

“Với vai trò cầu nối, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương tăng cường giao lưu, liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các hội nông dân cơ sở hướng dẫn, đồng hành cùng các hợp tác xã, hộ sản xuất trong việc  hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, giấy chứng nhận để có thể làm việc với các hệ thống siêu thị, các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Công việc này sẽ được chúng tôi tiến hành thường xuyên để nông sản an toàn có đầu ra bền vững và khẳng định chỗ đứng trên thị trường”.
Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Quang An

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tin đọc nhiều
Thư viện ảnh
unnamed.jpg Hàng cây nông dân ơn Bác của Hội Nông dân phường Nghi Thủy,... Hàng cây Nông dân ơn Bác xã Hưng Lộc, thành phố Vinh Hàng cây nông dân ơn Bác của Hội Nông dân xã Châu Nhân,... xd2-17.jpg
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay9,957
  • Tháng hiện tại312,414
  • Tổng lượt truy cập7,781,867
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây